Đìu hiu thị trường lao động cuối năm

Thứ Sáu, 31/10/2014, 13:35
Không còn cảnh tấp nập tại mỗi phiên giao dịch việc làm tại sàn giao dịch việc làm Hà Nội thuộc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, như vào dịp những tháng cuối năm như trước đây, các phiên giao dịch việc làm Hà Nội vẫn cố gắng duy trì khoảng 50 doanh nghiệp (DN) tham gia tuyển dụng trực tiếp. Có điều số lượng công việc ít đi, thậm chí có DN đến chỉ có tuyển dụng từ 1 đến 2 ứng viên.

Rất ít cơ hội việc làm

Sáng 30/10, có mặt tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội, khu vực thông báo tuyển dụng có mặt nhiều lao động trẻ chăm chú theo dõi, tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình. Tuy nhiên qua quan sát, số lượng tuyển dụng của các DN không lớn. Những DN tuyển lao động phổ thông như bán hàng siêu thị, nhân viên giao nhận, nhân viên thị trường… trước đây thường khá sôi động vào dịp cuối năm thì năm nay, mỗi DN cũng chỉ thông báo tuyển từ 1, 2 đến 10 người.

Việc khát lao động nhân lực kỹ thuật luôn là vấn đề được đặt ra tại các phiên giao dịch nhưng cho đến thời điểm này, chỉ tiêu tuyển dụng của các DN cũng rất hạn chế. Tại phiên 30-10, chúng tôi ghi nhận chỉ có 4, 5 DN tuyển. Chỉ tiêu tuyển dụng lao động trình độ đại học, cao đẳng càng “hẹp cửa” với các sinh viên vừa tốt nghiệp ra trường, khi các yêu cầu của nhà tuyển dụng thường nhấn mạnh đến kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, xây dựng… 

Trao đổi với lao động Nguyễn Thị Liễu ở Hoàng Mai (Hà Nội), khi Liễu vừa trả lời phỏng vấn một công ty tư nhân tuyển dụng vị trí kế toán, cô cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Hà Nội, Liễu đã đi làm cho 1, 2 công ty được 2 năm thì nghỉ sinh con. Giờ con đã lớn, cô mong muốn kiếm công việc để đi làm lại. Liễu đã tìm việc trên mạng, nhưng nhiều thông tin cũng không chuẩn xác, cô muốn đến sàn giao dịch để gặp trực tiếp nhà tuyển dụng để có độ tin cậy cao hơn. “Quả thực, tìm việc làm vị trí kế toán như em, thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng, thời điểm này khó khăn hơn cả hồi em còn là sinh viên”, Liễu chia sẻ trong lúc chờ để nộp tiếp hồ sơ vào công ty thứ hai. 

Lao động trẻ chưa có kinh nghiệm rất ít cơ hội tìm được việc làm. Ảnh chụp tại Sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày 30/10.

Cảnh vắng vẻ không chỉ diễn ra ở sàn giao dịch việc làm Hà Nội. Ghi nhận của phóng viên ở các bảng thông báo tuyển dụng tại một số khu công nghiệp của Hà Nội như KCN Thăng Long, Nội Bài, Thạch Thất… cũng rất thưa thớt DN có thông báo tuyển. Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó Ban Quản lý các KCN, KCX Hà Nội thì từ đầu năm đến nay, các DN duy trì một lượng lao động ổn định, không có nhiều biến động.

Cần chuyển dịch cơ cấu lao động đón đầu hội nhập kinh tế khu vực

Qua việc cập nhật thông tin thị trường lao động quý I, quý II được Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê thực hiện, cũng chỉ ra chưa thấy nhiều dấu hiệu chuyển biến về thị trường lao động trong năm 2014, chất lượng việc làm chưa được cải thiện, thất nghiệp trở thành vấn đề nghiêm trọng đối với thanh niên, đặc biệt là nhóm có trình độ đại học, cao đẳng.

Qua trao đổi với phóng viên, bà Vũ Thị Thanh Liễu, Trưởng phòng Thông tin Lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, theo thông lệ hằng năm, quý 4 là thời điểm các DN phải hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh của năm nên tốc độ hoạt động được đẩy nhanh. Chưa kể tới thời gian giáp Tết khiến sức tiêu thụ dịch vụ và hàng hóa gia tăng. Điều này khiến DN cần thêm một lượng nhân lực phục vụ hoạt động. Tuy nhiên, năm nay công việc thời vụ có xu hướng tăng, chủ yếu là bán hàng hội chợ Tết, phát quà khuyến mãi, tiếp thị, chăm sóc khách hàng… Theo dự kiến, sàn giao dịch việc làm Hà Nội sẽ tiếp nhận khoảng 115.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Sàn sẽ tổ chức 6 phiên giao dịch chuyên đề và lưu động trên địa bàn thành phố. Trong đó, sẽ có các phiên về phục vụ nhu cầu của lao động XKLĐ về nước, phiên việc làm cho người khuyết tật, phiên việc làm cho thanh niên ngoại thành… Thực tế tại sàn giao dịch việc làm cho thấy, tỉ lệ cử nhân tìm việc khá lớn nhưng nguồn việc cho đối tượng này chưa nhiều. Ngược lại, nhu cầu tuyển thợ cơ khí, thợ nghề lại khá cao trong khi nguồn cung lại thiếu. Chính vì vậy, những đánh giá về tỷ lệ kết nối thành công qua sàn giao dịch việc làm chỉ dừng ở mức 20-25%.

Tổ chức lao động quốc tế ILO trong một báo cáo mới đây đã chỉ ra những lợi thế và thách thức của Việt Nam trong việc gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Việt Nam tập trung tới 1/6 lao động của cả khu vực, điều này đồng nghĩa với tăng GDP thêm 14,5% và sẽ có thêm hàng triệu việc làm mới. Nhưng thách thức Việt Nam phải đối mặt là AEC sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cấu trúc, và trong lúc một số ngành sẽ trở nên phát đạt thì một số ngành khác lại có khả năng phải cắt giảm lao động. Lao động trong các ngành này có thể sẽ không có những kỹ năng phù hợp để nắm bắt những cơ hội mới mà AEC mang lại. Đặc biệt ILO cũng chỉ ra AEC sẽ đẩy mạnh các xu hướng chuyển đổi cơ cấu hiện tại. Tỷ trọng việc làm của ngành công nghiệp sẽ tăng lên tới 23,5% vào năm 2025; tỷ trọng ngành dệt may là 5,7%, xây dựng là 8%; dịch vụ sẽ trở thành khu vực tạo việc làm chủ lực trong nền kinh tế, chiếm 41,3% tổng việc làm của cả nước. Tỷ trọng nông nghiệp sẽ giảm xuống còn 35,2%

Thu Uyên
.
.
.