Điều tra các DN thoả thuận tăng phí bảo hiểm(!?)

Thứ Bảy, 30/05/2009, 15:22
Khi thỏa thuận tăng phí bảo hiểm còn… nằm trên giấy do nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa chính thức triển khai, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính còn chưa kịp phản ứng hoặc có ý kiến gì thì Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã mau mắn vào cuộc...

Sau sự việc 16 doanh nghiệp bảo hiểm cùng ký thỏa thuận tăng mức phí bảo hiểm tàu biển, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm xe cơ giới nhằm mục đích nâng cao chất lượng dịch vụ, theo đó mức phí bảo hiểm ôtô sẽ tăng từ 1,3 lên 1,56%; riêng với xe taxi mức phí bảo hiểm được tăng lên 3,95%.

Thỏa thuận về bảo hiểm hàng hóa chỉ là những thỏa thuận hoàn toàn có tính chất nhắc nhở về mặt nghiệp vụ với các doanh nghiệp bảo hiểm, không liên quan gì đến mức phí. Ngược lại, thỏa thuận về mức phí bảo hiểm tàu biển thì gây bất lợi cho những doanh nghiệp mới, nhưng vì "tôn trọng tính tuân thủ" của thành viên hiệp hội, đại diện một số doanh nghiệp đã phải đặt bút ký thỏa thuận.

Và ngay khi thỏa thuận này còn… nằm trên giấy do nhiều doanh nghiệp bảo hiểm chưa chính thức triển khai, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính còn chưa kịp phản ứng hoặc có ý kiến gì thì Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã mau mắn vào cuộc, ra quyết định điều tra không phải chỉ đối với 16 doanh nghiệp nêu trên mà thực hiện điều tra đối với 19 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, trong đó có cả doanh nghiệp bảo hiểm Nhà nước là Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt.

Việc Cục Quản lý cạnh tranh ra quyết định điều tra đồng loạt đối với hàng chục doanh nghiệp bảo hiểm với lý do "Vi phạm Luật Cạnh tranh", luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP HCM đã khẳng định rằng: "Việc làm này của các doanh nghiệp bảo hiểm không vi phạm Luật Cạnh tranh. Bởi chỉ trong trường hợp một doanh nghiệp bảo hiểm nào đó tự giảm giá để chiếm giữ khách hoặc lợi dụng tên tuổi, thương hiệu của mình để tăng giá nhằm buộc khách phải lựa chọn mình với giá cao mới bị coi là vi phạm. Mặt khác, đây là loại hình bảo hiểm tự nguyện nên việc tăng, giảm mức phí thuộc quyền hạn quyết định của các doanh nghiệp và Hiệp hội Bảo hiểm…".

Lý giải về việc tăng mức phí bảo hiểm, giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại TP HCM cho biết: Khi mức phí bảo hiểm xe ôtô của các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ từ 1% trở lại, thì chưa kể vấn đề thuế nhập khẩu ôtô tăng 5 - 10%, phí sửa chữa xe đã đồng loạt tăng từ 20% trở lên, điều này khiến chi phí bồi thường vật chất xe ôtô của doanh nghiệp bảo hiểm cũng tăng lên.

Phải chịu chi phí cao; tỷ lệ bồi thường đối với xe cơ giới của bảo hiểm đã vượt qua con số 100% khiến hầu hết các doanh nghiệp với loại hình bảo hiểm này đã bị lỗ hoặc ít ra là không có lãi nên việc phải tăng phí bảo hiểm để nâng cao chất lượng dịch vụ là điều tất yếu...

Lẽ ra nếu thấy thỏa thuận nâng phí bảo hiểm của các doanh nghiệp có vấn đề, Cục Quản lý cạnh tranh chỉ cần mời các bên liên quan là Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm… cùng ngồi lại, họp bàn để tìm hướng giải quyết sẽ cho một kết quả tốt đẹp và rất nhẹ nhàng.

Song ngược lại, sự nhanh nhảu vào cuộc của Cục Quản lý cạnh tranh đã khiến nhiều doanh nghiệp bất bình khi sự việc kéo dài đến nay đã hơn 5 tháng vẫn chưa xong; doanh nghiệp bảo hiểm bị điều tra vẫn chưa biết mình có vi phạm hay không, có được tiếp tục triển khai bán bảo hiểm theo mức phí mới hay không?

Đức Thắng
.
.
.