Diễn biến phiên toà xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu do Hùng "xì tẹc" cầm đầu

Thứ Hai, 17/04/2006, 15:10

Trong vòng chưa đầy 1 tuần, chỉ với 2 lần đánh tráo nước vào tàu dầu, Hùng “xì tẹc” và đồng bọn đã bỏ túi hơn 550.000 USD.

Trả lời câu hỏi của HĐXX: "Vì sao phải bơm nước vào tàu dầu để tái xuất? Vì sao các cơ quan chức năng trong lĩnh vực xăng dầu không phát hiện?", Hùng "xì tẹc" đáp: "Trước hết là để "chữa cháy". Vì vào thời điểm đầu năm 2002, hợp đồng tái xuất với Công ty Savimex (Campuchia) sắp hết hạn, mà lượng dầu trong kho dự trữ cũng không còn. Vì vậy, Hùng "xì tẹc" với Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Giám đốc Công ty Tây Nam móc nối với Lê Hồng Long, nguyên Phó Giám đốc Công ty XNKVTĐB; Lê Minh Phượng, Nguyễn Minh Hưng, giám định viên Vinacontrol bơm 1/3 nước vào các tàu dầu nhập vào theo hợp đồng nhập khẩu của Công ty XNKVTĐB để tái xuất, tương ứng với khối lượng để lại Việt Nam tiêu thụ. Để làm được việc này, Hùng "xì tẹc" thỏa thuận cứ 500 tấn nước bơm vào thay dầu sẽ trả cho Savimex (Campuchia) 10.000 USD.

Bắt đầu ngày 28/3/2002, Hùng "xì tẹc" và đồng bọn thực hiện hành vi đánh tráo nước vào tàu dầu Neplinedelima, quốc tịch Malaysia lấy được 1.500 tấn dầu DO, trị giá 276.000 USD. Ngày 1/4/2002, tráo nước vào tàu SRI, quốc tịch Libia, chiếm đoạt 1.500 tấn dầu DO, thu lợi 276.000 USD. Ngoài ra, Hùng "xì tẹc" và đồng bọn còn tráo xăng bằng dầu DO để tái xuất sang Campuchia, thu lợi 5,5 tỷ đồng chia nhau.

Theo Hùng "xì tẹc", các cơ quan chức năng không thể phát hiện việc bơm nước vào tàu dầu là nhờ có sự tiếp sức của các bị cáo nguyên là nhân viên giám định của Vinacontrol. Trước đó, Hùng "xì tẹc" đã đem việc này tham khảo với Nguyễn Minh Hưng và được anh ta cho biết, đưa 1/3 nước vào để lấy 1/3 dầu từ trong tàu ra vẫn không hề gì.

Trong nhiều vụ tham gia làm hồ sơ giả, đánh tráo, Nguyễn Minh Hưng được chia lợi 1,3 tỷ đồng, nhưng trước tòa chỉ thừa nhận 990 triệu đồng. Hơn nữa, bị cáo này cũng thừa nhận làm bản khai chi xuất giả cho những cá nhân, tổ chức mà mình không hề quen biết, hoặc chi ít mà khai lên nhiều để hợp thức hóa số tiền đã nhận từ tay Hùng "xì tẹc". Mục đích kê khai không chính xác của Hưng là nhằm chứng minh mình vô tư, không trục lợi trong quá trình giúp sức Hùng "xì tẹc" buôn lậu, đưa và nhận hối lộ.

700 triệu treo lơ lửng

Dù mất thời gian, Tòa vẫn thẩm vấn làm rõ số tiền 700 triệu đồng mà Hùng "xì tẹc" đưa cho Nguyễn Đình Lợi, nguyên Giám đốc Công ty XNKVTĐB để làm cơ sở định tội danh, nhưng xem ra không ai chịu nhận trách nhiệm về khoản tiền này. Dù trong cáo trạng ghi Hùng "xì tẹc" bị ép phải chi 700 triệu cho Nguyễn Đình Lợi để tiếp tục hợp tác với Lê Hồng Long buôn lậu, nhưng trước tòa Hùng "xì tẹc" một mực khai đó là khoản tiền mà y phải trả cho Công ty XNKVTĐB, nhưng người đại diện công ty này cũng không dám đứng ra nhận đó là khoản tiền của công ty phải thu lại.

Còn bị cáo Nguyễn Đình Lợi cũng không chịu nhận mình đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Hùng "xì tẹc", xin tòa xem đó là khoản tiền mà Công ty XNKVTĐB tạm ứng và chưa quyết toán. Nếu xác định đây là khoản tiền mà Hùng "xì tẹc" phải trả cho công ty, thì việc Nguyễn Đình Lợi chiếm đoạt phải được xem là hành vi tham ô, chứ không còn là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn mà cáo trạng đã truy tố.

Hùng "xì tẹc" không giữ vai trò đầu vụ?

Trong phần trả lời thẩm vấn của các luật sư, Hùng "xì tẹc" cho rằng mình không phải là kẻ cầm đầu trong đường dây buôn lậu mang tính quốc tế này. Bị cáo chứng minh: Trong giai đoạn 1998 - 1999, chính Nguon Hien, người Campuchia là kẻ khởi xướng và vạch ra kế hoạch buôn lậu xăng dầu núp dưới hình thức tạm nhập tái xuất. Phía Campuchia Nguon Hien lo việc hợp thức hóa các giấy tờ nhập khống từ phía Việt Nam, còn phía Việt Nam Hùng "xì tẹc", Phạm Quang Mậu và Nguyễn Văn Dũi lo việc làm hồ sơ khống đã xuất sang Campuchia. Theo Hùng "xì tẹc" thì nhóm bộ tứ này cùng làm, cùng chia lợi như nhau thì không thể quy kết y là đầu sỏ.

Ở giai đoạn 2001-2002, Hùng "xì tẹc" lấy cáo trạng ra dẫn chứng chính Nguyễn Hữu Dũng đã gây sức ép buộc y phải khôi phục lại đường xăng dầu trước đó. Tuy trong giai đoạn này không còn Nguon Hien, nhưng người thế chỗ ăn chia là Công ty Savimex (Campuchia), trong đó có hai người trực tiếp tham gia bàn bạc của công ty này là ông Mo và ông Nga. Mỗi chuyến tàu xuất khống xăng dầu ở giai đoạn 2, Hùng "xì tẹc", Phạm Quang Mậu, Nguyễn Văn Dũi và Nguyễn Hữu Dũng đều được chia phần 200 triệu đồng/tàu, còn phía Savimex được chia 300 triệu đồng/tàu.

Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục phần thẩm vấn những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án

Nhã Phong
.
.
.