Dịch tiêu chảy cấp: Người tiêu dùng quay lưng với rau sống

Thứ Sáu, 09/11/2007, 14:09
Tại cánh đồng trồng rau xà lách của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Thường và Yên Viên (Gia Lâm), gần chục hécta rau xà lách đang đến thời kỳ thu hoạch chẳng ai buồn cắt đem bán vì có mang ra chợ rồi vẫn phải mang về. Thị trường giảm, người nông dân cắt rau ế về cho lợn, gà... ăn.

Trong 6 loại thực phẩm Bộ Y tế tạm cấm người dân không được sử dụng thời gian này khi dịch tiêu chảy cấp đang bùng phát ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, người dân trồng rau sống (rau xà lách và các loại rau gia vị) ở vùng ven đô Hà Nội đang phải đối mặt với hàng chục hécta rau đến mùa thu hoạch nhưng không tiêu thụ được.

Không những rớt giá, rau xà lách còn mang đi đổ, đem cho lợn ăn cũng không đắt. Ngồi nhìn những luống rau xanh mướt mà rớt nước mắt, đó là tâm trạng của hàng trăm hộ nông dân Hà Nội mùa dịch.

Xà lách ế đem về chăn nuôi

Chúng tôi đến Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Dư, huyện Gia Lâm trong những ngày dịch tiêu chảy cấp đang diễn ra nóng bỏng, không khí làm việc của người nông dân có phần uể oải và nhàn rỗi hơn. Nổi tiếng là vùng trồng rau gia vị (mùi tàu, mùi ta, tía tô, kinh giới, ngổ…), Đông Dư được biết đến như là một "tập đoàn" rau gia vị cung cấp cho cả địa bàn Hà Nội.

Chỉ cách đây nửa tháng, vào các buổi chiều, cả cánh đồng nhộn nhịp cảnh bà con cắt, hái các loại rau gia vị. Dân buôn tấp nập việc bán mua để sáng sớm mai đưa đến các chợ đầu mối tiêu thụ. Nhưng không khí hôm nay thì khác, ngoài vợ chồng anh Ngô Ngọc Phan ở đội 4 đang hái rau ngổ, cả cánh đồng lặng như tờ.

Như chạm phải nỗi canh cánh trong lòng bấy lâu, khi biết chúng tôi là nhà báo về hỏi tình hình tiêu thụ rau, vợ chồng anh Phan dừng tay để trải nỗi lòng: "Cả tuần nay rồi bán khó lắm. Trước đây mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1.000 mớ thì nay chỉ được 700 mớ thôi. Giá thành cũng bị hạ đi 10%".

Gia đình anh chị có 6 sào đất trồng rau ngổ, mỗi ngày cho thu nhập hàng trăm nghìn đồng. Nhưng khi cấm ăn rau sống, rau ngổ cũng nằm trong danh sách nên bị ế ẩm. Cả 6 sào rau ngổ xanh mướt, tốt như rừng đến ngày thu hoạch đang phải dừng lại bởi không có đầu ra.

Chị Hải, vợ anh Phan bảo: "Giá các mặt hàng cứ tăng vùn vụt. Nông dân chúng tôi chỉ trông chờ vào rau, nay gặp phải đợt dịch này việc chi tiêu, ăn học của 3 đứa đang gặp khó khăn lắm".

Chúng tôi đi sâu vào cánh đồng, tịnh chẳng thấy nhà nào thu hoạch. Bên 20 thước rau mùi tàu tươi tốt, anh Vũ Văn Luyện cho biết: "Ngày nào ra đây cũng lo vì chúng lớn nhanh quá. Chẳng dám tưới nước để hãm chúng lớn mà nó cứ xanh mơn mởn". Quả là một nghịch lý, đối với người trồng rau ai chẳng muốn rau nhanh đến ngày thu hoạch, thế mà người nông dân giờ đây lại sợ điều đó.

Anh Luyện buồn bã: "Cấm rau sống, mùi tàu đứng một mình chẳng ai mua. Người ta chỉ mua chế biến vào miến, phở nhưng ít lắm. Rau gia vị của chúng tôi ở đây toàn là rau sạch, không có thuốc sâu gì hết nhưng trong tình cảnh thế này thì biết kêu ai. Vợ con kêu ế ẩm, tiền đóng học cho con phải lùi lại tháng sau".

20 thước mùi tàu của anh Luyện trước đây mỗi ngày tiêu thụ được 1.000 mớ, cho thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng, nay chỉ tiêu thụ được 500 mớ, thu nhập giảm xuống còn 2 triệu đồng. Thu nhập giảm, buộc vợ chồng anh phải giảm bớt chi tiêu. Nhưng lo nhất vẫn là không biết bao giờ dịch mới hết và thực trạng này khiến người nông dân phải chuyển hướng thâm canh.

"Nhưng khó lắm vì bà con ở đây trước nay chỉ thâm canh rau gia vị, nên chuyển sang trồng thứ khác chưa có kinh nghiệm, lại công cốc thì khổ" -  anh Luyện lo lắng cho biết.

Buồn hơn khi chúng tôi đến cánh đồng trồng rau xà lách của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Thường và Yên Viên (Gia Lâm). Gần chục hécta rau xà lách đang đến thời kỳ thu hoạch chẳng ai buồn cắt đem bán vì có mang ra chợ rồi vẫn phải mang về.

Giá thành rớt thảm hại, từ 7.000đ/kg xuống còn 2.000đ/kg cũng không bán được. Không có thị trường, hàng hecta rau xà lách không biết đổ đi đâu. Không giống như rau gia vị trồng một lần thu hoạch nhiều lần, rau xà lách và mùi ta là phải thu hoạch ngay. Chính vì thế, người nông dân ở đây ngồi nhìn hàng hécta rau mà chảy nước mắt.

Ông Đào Văn Minh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Thường cho biết: "Từ khi chưa có khuyến cáo không ăn rau sống, rau xà lách ở đây đã bị ảnh hưởng rồi. Thị trường giảm rất nhiều, rau ế cắt về cho lợn, cho gà và cho cá ăn. Người trồng rau chỉ trông mong vào rau được mùa, có giá, nay thì…".

Bắt buộc ngừng thu hoạch

Bà Hoàng Thị Nhinh, Phó Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Dư cho biết, cả xã có 1.000 hộ nông dân sản xuất rau an toàn, diện tích trồng rau gia vị chiếm hơn 30ha (bằng hơn 40% diện tích đất nông nghiệp). Trước đại dịch này, bắt buộc người nông dân phải ngừng thu hoạch nhưng không có nghĩa là đổ đi như xà lách và mùi ta…

Theo bà Nhinh, từ năm 1990 người dân Đông Dư chuyển sang trồng rau gia vị, thì đây là lần đầu tiên rau gặp dịch bệnh và ế ẩm thế này. Trước đây, trung bình 1 sào mùi tàu, người nông dân thu 10 - 12 triệu đồng/năm; 1 sào rau kinh giới, tía tô, ngổ thu 6 - 7 triệu đồng/năm thì bây giờ chỉ còn là mơ ước.

Chỉ nửa tháng trước, mỗi ngày thị trường tiêu thụ 5-7 tấn rau gia vị của Đông Dư, nay chỉ còn ngót nghét 3 tấn. Từ khi hình thành những tập đoàn rau gia vị thì ở Đông Dư cũng hình thành đội ngũ thu gom chuyên nghiệp là người địa phương (khoảng 50 người) để bỏ mối giao bán cho các chợ của Hà Nội.

Vợ chồng anh chị Tài -Hoan, chuyên cung cấp rau đầu mối ở xã Đông Dư cho biết: "Sáng nay đứa em điện thoại về thông báo, xà lách thu mua ban sáng còn nguyên chưa bán được. Từ hôm có dịch, ngày nào vợ chồng tôi cũng bị ế rau xà lách với rau thơm. Hôm trước ế cả tải, mang về luộc, chưng cà chua lên ăn. Xà lách ế đem cho gà, cho lợn ăn cũng không hết".

Các HTX hiện chưa có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người nông dân. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là điều vô cùng khó khăn bởi tập quán canh tác, thay đổi loại đất để phù hợp với cây trồng mới… và không phải một sớm một chiều là chuyển đổi được.

Người nông dân hiện vẫn chưa có lối đi, theo họ thì vẫn tiếp tục trồng rau cũ, chỉ còn hy vọng dịch bệnh sớm được dập tắt. Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần có hướng dẫn cụ thể giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn, đừng để tấc vàng biến thành đất trống.

Mong ước của những người nông dân trồng rau gia vị chúng tôi gặp là dịch nhanh chóng được dập tắt. Lúc đó, rau gia vị của họ sẽ nghiễm nhiên ngồi trên bàn ăn của nhiều gia đình từ bình dân đến triệu phú

Trần Hằng - Cao Hồng
.
.
.