Đi chợ Tết Hà Nội những ngày đầu năm
Mặc dù trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, lượng rau xanh, thịt, cá cung cấp cho thị trường Hà Nội đã được dự báo sẽ không thiếu. Và từ mùng 2 Tết, nhiều chợ đã bán hàng trở lại, chủ yếu là các mặt hàng rau xanh, thủy hải sản. Tuy nhiên, cũng giống như chu kỳ của những năm trước, giá thực phẩm sau Tết bắt đầu tăng vọt, dù nhu cầu năm nay không mạnh và hàng hóa đầy đủ, đa dạng.
Không thiếu so với trước Tết, người mua cần rau gì có rau đó nhưng giá bỗng chốc đắt gấp 3 thời điểm trước Tết. Đặc biệt, những loại rau xanh dùng để ăn lẩu càng được “hét” giá cao. Qua khảo sát của chúng tôi sáng mùng 4 Tết, tại các chợ bán lẻ như Nguyễn Công Trứ, chợ Hôm, chợ Hàng Bè…, các hàng rau đều có giá cao ngất ngưởng như nhau. Cà chua trước Tết chỉ 8.000 - 10.000 đồng/kg, giờ được bán với giá 25.000 đồng/kg. Cải cúc tại ruộng chỉ 1.000 đồng mua được 2 mớ thì tại chợ, loại rau này có giá 5.000 đồng/mớ. Rau cần cũng có giá 15.000 đồng/mớ. Các loại cải xanh, cải ngọt, cải thảo cũng bị đội giá gấp 2-3 lần. “Rau ngày Tết, so làm sao được với giá bình thường”, một người bán rau tại chợ Nguyễn Công Trứ bình thản trả lời khi khách thắc mắc giá rau quá đắt.
Chợ vắng khách nhưng giá rau xanh tăng gấp 3 lần ngày thường. |
Với những người nông dân trồng rau, số ngày ít ỏi sau Tết là lúc để họ có thể bán sản phẩm của mình được giá. Trong khi bà con làng xóm nghỉ ngơi, chúc Tết thì gia đình chị Hà Thị Tuyết, Quốc Oai (Hà Nội) lại huy động cả vợ chồng, con cái ra ruộng hái rau bán. Gặp chị ở chợ Nguyễn Công Trứ, với chiếc xe máy đèo nặng hai sọt rau chất ngất, chị Tuyết vui vẻ: “Tôi đi bán rau từ hôm mùng 2, chỉ mấy tiếng buổi sáng là hết cả xe rau rồi, ngày Tết, người ta mua bán cũng nhanh, không mặc cả như ngày thường”.
Dù biết là bị mua đắt nhưng hầu hết người tiêu dùng vẫn phải “móc hầu bao” mua rau vì đã quá ngán thịt thà, cỗ bàn. Và không chỉ rau, giá các loại thủy hải sản cũng đua nhau tăng vọt theo nhu cầu bữa ăn Tết. Thịt bò thăn, mông, bắp có giá 450.000 đồng/kg. Đắt hơn trước Tết 100.000 – 150.000 đồng/kg. Cá chép to 120.000 - 150.000 đồng/kg... Hầu hết người bán hàng đều khẳng định, năm nay, lượng hàng bán ít hơn hẳn năm ngoái, nhu cầu ăn những đồ thực phẩm cao cấp cũng ít hơn hẳn, nhưng giá thì vẫn không hề giảm. Tôm sú vẫn đứng giá cao 600.000 đồng/kg; tu hài loại trung bình cũng có giá 300.000 đồng/kg. Các loại cá như cá tầm, cá trắm giòn cũng được bán cao hơn ngày thường từ 50.000 – 70.000 đồng/kg.
Ảnh chụp tại phường Sài Đồng, quận Long Biên ngày 3 Tết. |
Mặc dù được bày bán ê hề nhưng sức mua trong dịp Tết đã giảm mạnh. Kinh tế khó khăn, người người, nhà nhà nêu cao tinh thần tiết kiệm, không mua những loại thực phẩm xa xỉ. Nhưng không vì thế mà giá những loại đặc sản này hạ. Và theo dự báo của những người kinh doanh, giá cả thực phẩm sẽ còn giữ ở mức cao cho đến hết tháng Giêng.
Ngoài các loại mặt hàng tươi sống, nhiều hàng quán cũng đã mở cửa. Đặc biệt, các hàng bún riêu, bún ốc đặc biệt đắt khách. Tranh thủ thời gian nghỉ Tết, các nhà mặt phố chưa mở hàng buôn bán, nhiều người dân đã trưng dụng tạm vỉa hè để bán hàng. 50.000 - 60.000 đồng/bát bún riêu cua thêm ốc nhồi thịt bò là giá phổ biến. Và khách hàng, vốn đã quen với kiểu tăng giá đột ngột sau Tết nên cũng không phàn nàn gì, vui vẻ trả tiền.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) thì tại Hà Nội giá thịt bò, cá tươi tăng nhưng không tăng mạnh như cùng thời điểm Tết Nhâm Thìn 2012; giá các loại hoa tươi giảm; giá rau củ ổn định ở mức cao; giá trứng gà trên thị trường khoảng 31.000 - 37.000 đồng/chục (siêu thị trước Tết ổn định ở mức 32.000 - 42.000 đồng/chục); các mặt hàng khô, rượu, bia thuốc lá có tích trữ từ trước và nhu cầu sau Tết không cao nên giá ổn định