Đề xuất xóa hơn 27.700 tỷ đồng nợ thuế

Thứ Ba, 05/03/2019, 08:17
Số liệu thống kê từ Tổng cục Thuế cho biết tổng số tiền thuế nợ tính đến hết năm 2017 là 78.466 tỷ đồng, trong đó, nợ do cơ quan Thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, nợ do cơ quan Hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đã tổ chức bộ phận quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế từ Trung ương đến địa phương, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp quản lý nợ thuế, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, từ khâu phân công, phân loại nợ thuế, ban hành thông báo nợ và ban hành quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng phương thức điện tử gửi đến người nộp thuế để thu hồi nợ đọng thuế. 

Theo đó số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, năm sau luôn cao hơn năm trước, bình quân từ 2011-2017 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, tốc độ tăng bình quân 16,3%/năm. Tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014, đến năm 2017 giảm xuống ở mức 7,6% và tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%. 

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Trong hơn 73 nghìn tỷ đồng nợ thuế do cơ quan Thuế quản lý, nợ có khả năng thu là 26.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng số tiền thuế nợ; Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng; Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017. 

Còn trong số 5.320 tỷ đồng tiền thuế nợ do cơ quan Hải quan quản lý, tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.361 tỷ đồng; Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng; Tiền thuế nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125 tỷ đồng.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt nộp chậm, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách, dọ Bộ Tài chính soạn thảo và đang lấy ý kiến góp ý, được kỳ vọng là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và Chính phủ về pháp luật quản lý thuế nói chung và pháp luật quản lý nợ thuế nói riêng để xử lý tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng xử lý tiền nợ thuế lâu năm không có khả năng thu do người nộp thuế đã phá sản không thực hiện được các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật; người nộp thuế đã ngừng kinh doanh. 

Được biết, dự thảo nghị quyết này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để trình Quốc hội quyết định vào tháng 5-2019.

Hà An
.
.
.