Đề xuất tăng chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu lên 15 ngày
Bộ Công Thương cũng cho biết, bản báo cáo này mới có đóng góp ý kiến của 2/4 Bộ là Bộ Tài chính và Bộ Khoa học & Công nghệ (chưa nhận được ý kiến của Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Giao thông Vận tải), 6/13 đầu mối kinh doanh xăng dầu và 29/63 Sở Công Thương các địa phương.
Trong báo cáo này, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung khái niệm giá vốn cơ sở, là giá bao gồm giá nhập khẩu và các loại thuế, phí, chưa bao gồm lợi nhuận của DN. Về tần suất điều chỉnh giá, có 3 phương án được đưa ra: 10 ngày/lần như hiện nay, 30 ngày như chu kỳ tính giá cơ sở và 15 ngày. Sau khi cân nhắc các ưu, nhược điểm, Bộ Tài chính đã đề xuất chọn phương án 15 ngày, với ưu điểm là hài hòa tần suất điều chỉnh giá và số ngày dự trữ lưu thông, phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới và giá trong nước được giữ ổn định lâu hơn. Về vấn đề này, Bộ Công Thương lại đưa đề xuất điều chỉnh giá theo biên độ nhỏ hơn, khoảng 3%, 5%, 7% thay vì 7%, 12% và trên 12% như trước đây.
Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng có thể tăng giảm ở mức 500 đồng/l để các thương nhân tự quyết, tăng giảm ở mức 500 - 1.000 đồng/l, thương nhân tự điều chỉnh kết hợp với sử dụng quỹ bình ổn và tăng giảm trên 1000 đồng/l mới cần chờ ý kiến của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Đáng lưu ý, bản báo cáo rà soát này vẫn chưa giải quyết một số vấn đề cốt yếu được dư luận hết sức quan tâm như hoa hồng cho đại lý (tránh tình trạng lúc khan hiếm lại treo biển hết xăng như thời gian qua), chi phí định mức cho kinh doanh xăng dầu và lợi nhuận định mức cho DN.
Bộ Công Thương cho biết đây là vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài chính, vì vậy phải đợi cơ quan này chủ trì hướng dẫn trong các văn bản khác