Để “nhà dành cho người thu nhập thấp” có chất lượng cao

Thứ Tư, 01/04/2009, 09:11
Theo các DN, nên xóa bỏ quy định nêu nhà ở cho người thu nhập thấp là loại nhà thấp hơn hoặc bằng 6 tầng. Điều quan trọng nhất, là phát triển quỹ nhà ở xã hội phải trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị hoàn chỉnh. Như thế mới tránh được những khu nhà nhếch nhác.
Chất lượng nhà ở cho người tái định cư kém, hệ số xây dựng thấp, kiến trúc tùy tiện là bài học đắt giá trong phát triển đô thị ở hầu hết các địa phương thời gian qua. Và nay, khi các khu đô thị dành cho người thu nhập thấp đã phát triển khá nhanh thì thiếu sót đó vẫn có nguy cơ lặp lại. Còn đó một khoảng trống, hạ tầng và dịch vụ phúc lợi cho cuộc sống của người dân nơi đây, ai lo?

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng đô thị dành cho người thu nhập thấp

Có đến 20ha đất ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh được đầu tư xây dựng nhà cho công nhân, học sinh thuê thuộc khu công nghiệp Bắc Thăng Long, do UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

Tham quan khu nhà ở do Xí nghiệp Quản lý phát triển nhà Hà Nội vừa nhận bàn giao, cán bộ quản lý cho biết: Hiện khu vực này đã hoàn thành 6 tòa nhà, mỗi tòa có 32 phòng đến 52 phòng tùy theo thiết kế. Còn lại 3 tòa khác đang trong giai đoạn hoàn thiện. Phía bên kia trục đường của khu đô thị, cả chục tòa nhà 5 tầng đã hoàn tất.

Theo người quản lý khu nhà, khu vực này đã có trên 2.000 công nhân vào thuê ở. Giá thuê 120.000 đồng/người/tháng, khá hấp dẫn. Chị Lê Thị Chung - công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long nói, ăn ở thế này chúng em cảm thấy thoải mái. Cuối buổi chiều có thể đi bộ hoặc đá cầu, nhưng...

Cái "nhưng" của cô công nhân này gợi nên một khoảng trống lớn mà khu đô thị dành cho công nhân, học sinh thuê chưa làm, đó là hạ tầng, các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng. Dễ nhận thấy, để khu đô thị này sống động còn cần đến trường, chợ, sân bóng, trạm xá, ghế đá bên những hàng cây...

Khu nhà ở cho công nhân, sinh viên thuê tại Kim Chung, Đông Anh nhưng còn thiếu công trình phúc lợi.

Một ý tưởng nảy sinh, nếu ngân sách thành phố khó khăn thì tại sao không kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư hạ tầng để khai thác hiệu quả phục vụ hàng chục ngàn công nhân, sinh viên đến thuê ở lâu dài nơi đây?

Nhà ở xã hội gắn với phát triển đô thị bền vững

Cho đến nay, những quy định trước đây về việc cắt đất hay quỹ nhà mỗi khi thực hiện các dự án nhà ở để phục vụ dân tái định cư, hay bán cho người nghèo đã mang lại kết quả không như mong muốn. Ví như ở TP Hồ Chí Minh, quy định cắt lại 10% quỹ đất ở để thành phố xây nhà cho người nghèo hoặc 20% quỹ nhà ở tại các dự án kinh doanh nhà để phục vụ công tác tái định cư. Còn tại Hà Nội, chủ đầu tư dự án kinh doanh nhà phải bàn giao cho thành phố 20% quỹ đất hoặc 30% quỹ nhà để thành phố bán cho người thu nhập thấp...

Cách làm này có mặt được, nhưng quỹ nhà phục vụ người thu nhập thấp luôn luôn thiếu ở mức trầm trọng. Đấy là chưa kể không ít doanh nghiệp đã lách luật để làm dự án nhà ở thấp hơn diện tích quy định để khỏi phải trích nộp quỹ nhà đất. Chính vì thế, các quy định này đến nay đã phải bãi bỏ. Điều này cho thấy cần phải xã hội hóa công tác phát triển nhà ở xã hội càng sớm càng tốt, và kết quả quỹ nhà ở cho người thu nhập thấp tăng vọt như đã thấy trong mấy tuần qua.

Tuy nhiên, tạo quỹ đất, quỹ nhà cho người nghèo, người thu nhập thấp kiểu này đã để lại hậu quả lớn về mặt đô thị. Đó là tạo ra quỹ nhà nhanh nhưng kém chất lượng...Vì thế, chính những khu tái định cư này đã làm xấu đi cảnh quan, uy tín của khu đô thị như báo chí và người dân đã lên tiếng.

Hiện Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ ban hành cơ chế rõ ràng trong vấn đề phát triển nhà ở xã hội để huy động các nguồn lực cho công tác này. Trong đó, sẽ xã hội hóa các nguồn lực đầu tư hạ tầng các khu nhà cho người thu nhập thấp, như công trình vui chơi thể thao, văn hóa, chợ, trường, trạm xá... để thu hút người dân.

Để làm được điều này, với kinh nghiệm đi đầu trong phát triển nhà ở phục vụ người thu nhập thấp, Công ty cổ phần bê tông và xây dựng Xuân Mai kiến nghị: Nhà nước nên làm quy hoạch và đầu tư hạ tầng sau đó giao lại cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư. Trường hợp Nhà nước khó khăn về kinh phí có thể giao thầu theo hình thức chìa khóa trao tay, qua đó sẽ thu hút được các nguồn lực xã hội vào đầu tư...

Nên xóa bỏ quy định nêu nhà ở cho người thu nhập thấp là loại nhà thấp hơn hoặc bằng 6 tầng bởi không còn phù hợp. Điều quan trọng nhất, là phát triển quỹ nhà ở xã hội phải trên cơ sở quy hoạch phát triển đô thị hoàn chỉnh, không phân biệt nhà ở xã hội với các loại nhà ở cũng như các công trình phúc lợi khác. Như thế mới tránh được những khu nhà nhếch nhác mà báo chí đã lên tiếng, đảm bảo phát triển đô thị đẹp và bền vững

Thanh Phong
.
.
.