Đẩy nhanh tiến độ dự án để thúc giải ngân đầu tư công

Thứ Ba, 27/08/2019, 07:29
Theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ Tài chính, việc giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua chậm vì nhiều nguyên nhân, từ khâu xây dựng kế hoạch tới triển khai thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án.


Những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm không mới, song quá trình kiểm tra thực tiễn tại một số bộ, ngành địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư kế hoạch năm 2018, năm 2019; công tác quyết toán dự án hoàn thành và việc quản lý các khoản thu của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Bộ Tài chính cho biết có một số nguyên nhân chính. 

Trong đó, có các vướng mắc liên quan tới công tác xây dựng, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch vốn ví dụ như một số chủ đầu tư chưa lường trước được các yếu tố tác động nên xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với khả năng thực hiện của các dự án dẫn đến nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn nhiều so với khả năng thực hiện. 

Vì vậy kết thúc năm dự án không giải ngân hết kế hoạch được giao, phải cắt giảm hoặc chuyển nguồn sang năm sau; Một số dự án không có khả năng thực hiện vẫn được đăng ký và giao kế hoạch vốn nên không thể giải ngân; Công tác phân bổ kế hoạch vốn còn chậm, giao nhiều lần chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án; Việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án còn chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác giải ngân…

Nhiều dự án vướng từ khâu xây dựng kế hoạch tới triển khai thực hiện.

Trước tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2019 và các tháng đầu năm vẫn còn thấp, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân. 

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công số 30/2019/QH14. 

Trong đó có Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi thay thế Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định số 16/2016/NĐ-CP theo hướng tập trung vào một đầu mối công tác quản lý nợ công; rà soát để đơn giản hóa các thủ tục hành chính bao gồm quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm, cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi. 

Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT khẩn trương tổng hợp kết quả rà soát của các bộ, ngành, địa phương đối với kế hoạch năm 2019 còn lại Thủ tướng Chính phủ chưa giao để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Đồng thời, đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì báo cáo đánh giá dự kiến khả năng giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hoặc quyết định theo thẩm quyền phương án điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ thực hiện sang dự án khác có nhu cầu, tiến độ giải ngân tốt, bảo đảm hiệu quả đầu tư theo đúng chỉ đạo.

Đối với các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Bộ Tài chính đề nghị đẩy nhanh, tích cực thực hiện công tác lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công – dự toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai công tác mời thầu, đấu thầu dự án theo thời gian quy định. 

Đối với công tác giải phóng mặt bằng phải được ưu tiên, đảm bảo khi nhà thầu thực hiện thi công không còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. 

Bộ Tài chính cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương xây dựng quy chế yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án thường xuyên báo cáo cơ quan cấp trên tiến độ triển khai và giải ngân của từng dự án. 

Kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tiến độ giải ngân. 

Các Bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp triển khai cụ thể để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019...

Nhiều dự án vướng từ khâu xây dựng kế hoạch tới triển khai thực hiện.
Hà An
.
.
.