Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: “Thảm đỏ” không trải sẵn

Thứ Hai, 13/02/2017, 08:02
Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán (ngày 2-2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chọn điểm đến là khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam. Hành động nhấn nút khởi động  khu sản xuất này cũng là động thái cho thấy Chính phủ đặc biệt quan tâm đến một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ và nông sản thay vì số lượng sẽ chú trọng chất lượng. 


Bài cuối: Dồn mọi nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao

Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết Nguyên đán (ngày 2-2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chọn điểm đến là khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nông trường VinEco Hà Nam. Hành động nhấn nút khởi động  khu sản xuất này cũng là động thái cho thấy Chính phủ đặc biệt quan tâm đến một nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ và nông sản thay vì số lượng sẽ chú trọng chất lượng.

Đây cũng là lời giải cho nút thắt tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với các doanh nghiệp (DN), mặc dù lựa chọn đầu tư vào một lĩnh vực “khó nhằn” nhưng với những trợ giúp từ chính sách, vốn... nông nghiệp công nghệ cao sẽ dần là chỗ đứng vững chắc và mang lại nhiều tiềm năng.

Sẵn sàng sửa Luật, Nghị định để có thêm nhiều đất sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Tính riêng Dự án VinEco Hà Nam của Tập đoàn Vingroup, diện tích 180ha đã “chiếm” số vốn đầu tư không nhỏ, gần 300 tỷ đồng. Dự án có khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5ha và các khu vực hỗ trợ sản xuất.

Dự kiến, cuối năm 2017, VinEco Hà Nam sẽ hoàn thiện hạ tầng, triển khai sản xuất trên toàn bộ diện tích. Và hàng loạt các “đại gia” khác cũng đã đầu tư vào lĩnh vực này như Tập đoàn TH True Milk, Hoà Phát, Trường Hải, FPT...

Nông nghiệp công nghệ cao mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng và cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, dấu hiệu hàng loạt DN tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cho thấy chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp nước ta. Đầu tư vào nông nghiệp không chỉ là sự mạo hiểm, mà cơ hội phát triển rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nếu làm nông nghiệp bài bản, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ, có thị trường đầu ra ổn định, thì sẽ rất dễ giàu. Thực tế, nông dân nhiều nước như Nhật Bản, Hà Lan, Israel đều có thu nhập rất cao và không thấp hơn nhiều so với bình quân thu nhập chung. Đơn cử, Hà Lan thu nhập bình quân đầu người là 58.000 USD/năm, thì thu nhập của người nông dân là 55.000 USD.

Tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, thu nhập của nông dân có thể đạt tới 5.000 USD/năm nếu thực hiện đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Nếu nông nghiệp công nghệ cao được phủ rộng khắp, chúng ta không chỉ giải được bài toán tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu mà ngay cả những nguy cơ nhiễm bệnh từ thực phẩm bẩn cũng sẽ bị đẩy lùi.

Nói một cách vĩ mô, nông nghiệp công nghệ cao sẽ cho chúng ta một cuộc sống chất lượng hơn về sức khoẻ, cải thiện môi trường.

Việc tháo “nút thắt” cho các DN được bắt đầu bằng việc đồng bộ các chính sách, tạo cơ chế để có đất đai rộng - tư liệu sản xuất tiên quyết. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, các chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện nay còn nhiều bất cập, đặc biệt là chính sách đất đai.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc sửa Luật Đất đai 2013 như kiến nghị của các địa phương, yêu cầu quy hoạch sử dụng đất ở các địa phương theo hướng mở rộng hạn điền, quy hoạch các điều kiện để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao như chế độ nước tưới, kênh mương, hỗ trợ hạ tầng…, giảm thủ tục rườm rà.

“Các bộ, ngành phải suy nghĩ, nghiên cứu hướng vào nông nghiệp công nghệ cao để sửa đổi chính sách. Ngay trong tháng 3 tới đây, phải chỉnh sửa xong nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”, Thủ tướng yêu cầu. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đang thí điểm thành lập ngân hàng về quỹ đất và xem xét việc hình thành thị trường quyền sử dụng đất để nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung dành quy mô đất lớn cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến, ưu tiên công nghệ cao theo hướng thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp khi người dân góp đất cùng doanh nghiệp. “Xây dựng, phát triển hình thức các cánh đồng mẫu lớn cũng là hướng làm khả thi, nhưng còn phải điều chỉnh một số vấn đề để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân”, ông Tuấn nhấn mạnh.

100.000 tỷ đồng để “hút” DN đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, giao Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để thực hiện vấn đề này đã thực sự là “cú hích” đối với các DN, tạo điều kiện cho DN đều có cơ hội tham gia “sân chơi” còn bỏ ngỏ rất nhiều tiềm năng này.

Đây cũng chính là mong muốn của DN, vì có tới 70% DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đều “kêu” khó tiếp cận với nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất. Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn, chỉ có doanh nghiệp mới có thể liên kết nông dân với thị trường, tạo nên nền sản xuất lớn.

“Do vậy, phải coi DN là “hạt nhân” để hỗ trợ bằng các chính sách như: giảm thuế khi đầu tư vào nông nghiệp, giảm bớt phiền hà cho DN, giúp DN tiếp cận vốn, đất đai, xây dựng hạ tầng nông thôn...”, ông Tam chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đã có nhiều chính sách ưu đãi tín dụng hay lãi suất dành cho DN và nông dân được ban hành nhưng cuối cùng vẫn nằm trên giấy. “Hy vọng sự chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng, hành động thiết thực từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguồn vốn đến đúng nơi đúng chỗ với điều kiện thông thoáng và gần với thực tiễn DN hơn”, ông Cường nói.

Về phía đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng phân bổ gói 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, xây dựng tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

NHNN sẽ có chỉ đạo các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn với lãi suất phù hợp, cho vay ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường để DN nông nghiệp công nghệ cao dễ dàng tiếp cận. Thông tin từ NHNN cho biết, hiện nay đã có Ngân hàng NN&PTNT dành 50.000 tỷ đồng, LienVietPostBank công bố sẽ dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với các ưu đãi về lãi suất, để tham gia chương trình này.

Bên lề Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 6 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, thông qua nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhiều DN, hộ nông dân… phát triển chuỗi nông nghiệp công nghệ cao, giúp phát huy thế mạnh của vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

NHNN cho biết, năm 2016, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt khoảng 120.605 tỷ đồng, tăng 24% so với 31-12-2015, cao hơn mức tăng trưởng huy động toàn nền kinh tế (huy động vốn toàn nền kinh tế đạt 17,85%). Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đạt 222.121 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cuối năm 2015, cao hơn tăng trưởng tín dụng toàn quốc (tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 18,39%).

Tuy nhiên, tháo gỡ chính sách về đất đai và nguồn vốn chỉ mới tạo được đôi cánh cho các DN bay lên. Còn có bay được về đích hay không lại đòi hỏi phải thực hiện nhiều chính sách đồng bộ, đặc biệt là gắn kết chuỗi liên kết 4 nhà và bài toán phân chia lợi nhuận công bằng, với vai trò chủ đạo là người nông dân được đảm bảo.

Ngọc Yến
.
.
.