Đầu nậu buôn lậu chuyển đổi phương thức hoạt động “né” cơ quan chức năng

Thứ Ba, 25/07/2017, 16:51
Hiện nay, các đối tượng buôn lậu thay đổi phương thức hoạt động. Có sự dịch chuyển địa bàn hoạt động tại các cửa khẩu; chuyển đổi loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu

Ngày 25-7, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức họp báo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2017.

Chánh văn phòng 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cho biết, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trên các tuyến đường bộ, đường không và trên biển vẫn diễn biến phức tạp, trọng điểm tại các khu vực đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông, suối biên giới. Trên biển vẫn nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 88.564 vụ việc vi phạm (bằng 93,71% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp NSNN từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 7.949 tỷ 667 triệu đồng (tăng 40,44% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.189 vụ đối với 1.372 đối tượng.

Nóng buôn lậu xăng dầu trên biển

Đại tá Trần Văn Nam, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên biển vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với mặt hàng than, quặng và xăng dầu… tập trung trên các vùng biển thuộc các tỉnh thành phố như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang và vùng biển giáp ranh với Indonexia, Thái Lan… 

Trong 6 tháng, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, điều tra xử lý 30 vụ/37 tàu/184 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại. Trong đó, buôn lậu dầu DO có 16 vụ/ 31 tàu/ 114 đối tượng  thu giữ hơn có 5 triệu lít dầu DO. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 15 vụ/22 tàu/108 đối tượng với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng, tịch thu 4.899.479 lít dầu DO, phát mại thu được hơn 43,8 tỷ đồng (392.358 lít dầu DO chưa được phát mại); đang điều tra, xử lý 1 tàu/ 6 đối tượng với 70.000 lít dầu DO.

Theo nhận định của ông Nam các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, với mỗi mặt hàng thì có các thủ đoạn khác nhau, sử dụng nhiều chiêu để qua mặt, tránh sự kiểm soát, kiểm tra của cơ quan chức năng.

Theo nhận định của ông Nam các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, với mỗi mặt hàng thì có các thủ đoạn khác nhau, sử dụng nhiều chiêu để qua mặt, tránh sự kiểm soát, kiểm tra của cơ quan chức năng. Đối với mặt hàng xăng, dầu các tàu buôn lậu của nước ngoài, chủ yếu là tàu của Thái Lan (thuyền trưởng, lái tàu là người nước ngoài) tổ chức vận chuyển, thực hiện hành vi sang mạn dầu trái phép cho các tàu cá hoán cải, tầu dịch vụ hậu cần nghề cá của Việt Nam và bán trực tiếp cho các tàu đánh bắt thuỷ sản trên biển. 

Đặc biệt, hiện nay các đối tượng buôn lậu còn tổ chức cảnh giới quan sát từ xa bằng các phương tiện hiện đại, khi phát hiện các lực lượng chức năng sẽ tiến hành cơ động đi ra khỏi vùng biển Việt Nam. Các đối tượng chủ đầu nậu dầu sử dụng thuyền viên của các nước khác nhau như Thái Lan, Lào, Campuchia, khi lực lượng chức năng bắt giữ, gây ra nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh. Thậm chí trên nhiều tàu khi kiểm tra lực lượng chức năng thu được vũ khí nóng, cả súng máy, các thiết bị liên lạc vệ tinh hiện đại và cả súng máy.

Theo ông Nam, do dầu sang mạn trái phép trên vùng biển Việt Nam, trốn được nhiều khoản thuế, phí nên lợi nhuận cao, các đầu nậu quay vòng hoá đơn để hợp thức hoá lượng dầu lậu trên biển. Được biết, giá khai báo của ngư dân mua dầu trên biển giá chỉ bằng 2/3 giá bán trên đất liền, người dân đi biển thấy giá rẻ thì mua, tiếp tay cho buôn lậu. Do vậy, trong thời gian tới cần phải có các giải pháp phát triển nghề dịch vụ hậu cần trên biển, đổi mới phương thức và quy trình quản lý, đảm bảo cân đối cung- cầu, tuyên truyền ngư dân không tiếp tay cho buôn lậu.

Chuyển đổi phương thức buôn lậu né cơ quan chức năng

Ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Hải quan chủ trì bắt giữ 7.216 vụ, giảm 11,4% so với cùng kỳ 2016; trị giá hàng hóa vi phạm trên 292 tỷ đồng, giảm 2,275 so với cùng kỳ năm 2016; thu nộp ngân sách nhà nước 155,9 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Hải quan khởi tố 20 vụ và chuyển cơ quan khác khởi tố 38 vụ. 

Lý giải nguyên nhân số vụ, trị giá hàng hóa giảm, ông Nguyễn Khánh Quang cho rằng, do các đối tượng buôn lậu hoạt động tinh vi hơn nên công tác phát hiện, bắt giữ gặp nhiều khó khăn. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp không phụ thuộc vào tỷ lệ số vụ phát hiện cũng như trị giá hàng hóa.

 Hiện nay, các đối tượng buôn lậu thay đổi phương thức hoạt động. Có sự dịch chuyển địa bàn hoạt động tại các cửa khẩu; chuyển đổi loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu. Ví dụ, khi loại hình nhập kinh doanh được quản lý chặt chẽ hơn, các đối tượng chuyển dịch sang loại hình trung chuyển, quá cảnh. Thực chất của loại hình này là hàng hóa vận chuyển vào Việt Nam để đi nước thứ ba, nhất là các nước có chung đường biên giới. Trong khi đó, tuyến biến giới đường bộ trải dài hàng trăm km, có nguy cơ thẩm lậu rất cao gây khó khăn cho lực lượng chống buôn lậu. 

Hiện nay, các đối tượng buôn lậu thay đổi phương thức hoạt động. Có sự dịch chuyển địa bàn hoạt động tại các cửa khẩu; chuyển đổi loại hình kinh doanh xuất nhập khẩu

Trả lời báo chí về kết quả việc rà soát số doanh nghiệp nhập khẩu xe Ấn Độ về Việt Nam thời gian qua, ông Nguyễn Khánh Quang cho biết: Đến nay, Hải quan chưa phát hiện, bắt giữ xử lý được DN nhập khẩu xe Ấn Độ có tình trạng khai gian giá, khai thấp hơn giá trị tính thuế.  

Lưu Hiệp
.
.
.