Đảm bảo cung ứng hàng hóa chất lượng cho người dân dịp Tết 2019
Tăng cường bán hàng lưu động
Ngoài việc tận dụng hệ thống phân phối hàng hoá ở các siêu thị và chợ, năm nay, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch tăng cường bán hàng lưu động dịp Tết 2019 với bình quân 130 chuyến hàng/tháng.
Những chuyến hàng lưu động tập trung tại các quận ven, huyện ngoại thành, khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu lưu trú công nhân, công ty, xí nghiệp đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện… để phục vụ người lao động có thu nhập thấp.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được tăng cường thanh tra, kiểm tra đợt này. |
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, chương trình bán hàng tết lưu động có 3 đầu mối thực hiện gồm: Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty Thương mại Sài Gòn và Công ty TNHH Thực phẩm Ba Huân.
Các mặt hàng lưu động chủ yếu là hàng thiết yếu có chất lượng tốt, giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5 - 10%, phải có các chương trình khuyến mãi để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân khu vực vùng ven của thành phố. Các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình bán hàng bình ổn thị trường có thể liên hệ trực tiếp với 3 đơn vị trên để được bố trí các chuyến và điểm bán hàng phù hợp.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, năm nay, công tác chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường tết sẽ đáp ứng đủ nhu của người dân. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Sở GTVT thành phố cấp giấy phép lưu thông 24/24 giờ cho xe tải của DN tham gia chương trình bình ổn thị trường để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán phục vụ nhân dân. Trong quá trình hoạt động, nếu các DN gặp khó khăn, vướng mắc cần báo ngay với các sở, ban, ngành chức năng liên quan để giải quyết kịp thời.
Sở Công Thương cho biết, trên địa bàn thành phố có 10.817 điểm bán hàng bình ổn thị trường, tăng 513 điểm so với năm 2017. Hiện thành phố có 207 siêu thị, 43 trung tâm thương mại, 1.100 cửa hàng tiện lợi, 239 chợ (gồm 3 chợ đầu mối, 14 loại 1, 52 loại 2, 170 loại 3, chưa kể nhiều chợ tạm rải rác ở các khu dân cư). Ngoài ra, còn có 4.209 điểm bán lương thực, thực phẩm, gồm 112 siêu thị, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán trong 131 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng vận động để ban quản lý (BQL) các chợ vận động tiểu thương đưa thêm các nhóm hàng bình ổn vào bán cho khách hàng có nhiều lựa chọn, nhất là vào dịp Tết.
Theo bà Hồ Hồng Phượng, Trưởng BQL chợ Hoà Hưng (quận 10), BQL chợ đã cho tất cả các tiểu thương trong chợ làm cam kết bán hàng có chứng từ, hàng hoá phải có nguồn gốc trích xuất rõ ràng. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở tiểu thương chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; không bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng…
Bà Nguyễn Thị Mỹ Ngọc, Phó Trưởng BQL chợ Sơn Kỳ (quận Tân Phú) cho biết: “BQL chợ đã triển khai cho 100% tiểu thương của chợ ký cam kết không bán hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng và đưa hàng bình ổn thị trường vào bán. Lực lượng quản lý thị trường của quận cũng thường xuyên đến kiểm tra nên tiểu thương ở chợ Sơn Kỳ chấp hành nghiêm quy định”.
Kiểm tra, đảm bảo thực phẩm Tết an toàn
Ngày 31-12-2018, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cho biết, nhằm đảm bảo cho người dân có một cái Tết an toàn, công tác bảo đảm ATTP sẽ được tăng cường với kế hoạch chủ động thanh, kiểm tra trước, trong và sau Tết, kéo dài 90 ngày tại các cơ sở chế biến, kinh doanh cung cứng thực phẩm bắt đầu từ 1-1-2019 đến 25-3-2019.
Đợt kiểm tra này sẽ hết sức tập trung, nhắm đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn, các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết… Ngoài ra, hoạt động thanh kiểm tra sẽ chú trọng những nơi cung cấp thực phẩm với quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo ước tính, hiện với dân số khoảng 10 triệu người ở TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày cần lượng thực phẩm rất lớn nhưng nguồn tự cung ứng ngay tại TP chỉ đạt 15%/ tổng nhu cầu thực phẩm, còn lại tới 85% là nhận cung ứng từ các tỉnh, thành khác, một số ít theo nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, việc kiểm soát ATTP luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn, nhất là vào dịp Tết.
Để tăng thêm lực cho công tác thanh kiểm tra, được biết vào tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho phép thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Riêng Nghị định 115 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực ATTP với mức phạt rất cao đã được thực thi từ ngày 20-10-2018.
Tăng cường phát triển nhóm sản phẩm chủ lực Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay ngành lương thực, thực phẩm có 5.515 cơ sở sản xuất, trong đó có 1.976 DN đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Các DN trong ngành đã có sự chuyển đổi theo hướng đầu tư phát triển thị trường trong nước. Doanh thu bán lẻ các mặt hàng thực phẩm và đồ uống chiếm 17% tổng doanh thu bán lẻ hàng hoá trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và chiếm tỷ lệ cao nhất cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (NTD) Việt (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu). Đây là cơ hội để các DN mạnh dạn đẩy mạnh đầu tư, đáp ứng nhu cầu NTD. Nắm bắt được tiềm năng và xu hướng phát triển của ngành thực phẩm, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ DN như: Kết nối ngân hàng và DN, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối với 2.279 cửa hàng tiện lợi (tăng 507 cửa hàng so cuối năm 2017) và 4.209 điểm bán bình ổn thị trường mặt hàng lương thực thực phẩm (tăng 266 điểm so năm 2017)... Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh đã đưa nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống vào danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP giai đoạn 2018-2020 và đang triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển. |