Đắk Lắk: Bài toán khó giải về tình trạng di dân di cư tự do

Thứ Ba, 10/03/2009, 08:47
Từ xa, thấp thoáng nơi cuối rừng là những căn lều xiêu vẹo được dựng bằng cái cọc gỗ, cọc tre sơ sài, mái lều được phủ bởi những tấm cỏ tranh, hoặc phủ bằng bạt cũ, nhàu nát thủng lỗ chỗ. Nắng Tây Nguyên về mùa khô như đổ lửa, nóng khủng khiếp, dễ hơn 43 độ, khiến cuộc sống nơi đây đã ngột ngạt lại càng ngột ngạt hơn.

Đời sống cư dân giữa rừng già

Sáng 3/3, để đến được xã Cư K'bang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, từ TP Buôn Ma Thuột, chúng tôi vượt hơn 130 cây số theo tỉnh lộ 1, trong hành trình có hơn 20km con đường "đau khổ" với vô số những ổ voi, ổ trâu ẩn hiện mịt mù trong bụi đỏ. Mùa khô đã vậy, mùa mưa về Cư K'bang hẳn còn gian nan, vất vả hơn nhiều.

Ông Ma Văn Thuyên, Chủ tịch UBND xã Cư K'bang dẫn đường, đưa chúng tôi vào khu dân di cư tự do (DCTD) mới nhất và nóng nhất của xã. Trên đường đi, ông Thuyên cho chúng tôi biết: Khỏi phải kể nhiều, cứ ra hiện trường, nơi bà con đang tá túc, các anh sẽ thấy tình cảnh của người dân mới DCTD vào đây ra sao...

Cách trụ sở UBND khoảng 8km, chúng tôi tôi không khỏi bất ngờ và sửng sốt khi khung cảnh nơi đây hiện ra chẳng khác gì trại tỵ nạn. Một bãi đất hoang rộng gần 2ha của rừng khộp mùa khô, 115 cái lều được dựng lên hết sức tạm bợ, với đủ loại vật liệu có được: cọc gỗ, cọc le, cỏ tranh, bạt rách, bao tải, bìa các tông, làm chỗ "chui ra, chui vào" cho 171 hộ, gồm 943 con người…

Lều kề lều. Tất cả đều thấp lè tè, ngang đầu người. Khi thấy người lạ, trong lều nhô ra những khuôn mặt đen nhẻm, lem luốc, mồ hôi nhễ nhại nhìn chúng tôi bằng ánh mắt như vừa sợ sệt, vừa cầu xin và cả hy vọng nữa.

Cả khu vực nóng hầm hập, ngột ngạt và cảm giác khó thở hơn khi người dân nổi lửa nấu cơm ăn buổi trưa. Nắng, lửa và khói hoà quện vào nhau vây bủa cả xóm. Nhiệt độ dễ đến 44 - 45 độ. Tôi ngồi trong lều của ông Bàn Giàu Thông mà có cảm giác như đang ở sa mạc khi tóc tai, quần, áo ướt sũng mồ hôi.

Hỏa hoạn rất dễ xảy ra ở nơi đây… Lo lắng trên được ông Chủ tịch xã cho biết: "Dễ xảy ra lắm anh ơi. Chúng tôi cũng đã cảnh báo với đồng bào điều đó rồi. Nhưng biết làm sao được, gió như vậy, không thể nấu nướng ngoài trời. Đành phải nấu trong lều thôi… Đâu chỉ có giặc lửa, sắp tới là dịch bệnh, là ốm đau. Làm sao thoát được ốm đau, bệnh tật khi nước ăn cho cả trăm hộ là cái vũng nước khoét bên suối cạn đục ngầu ở đầu kia kìa. Rồi chỗ vệ sinh không có. Đi vệ sinh lung tung. Ăn uống kham khổ, mất vệ sinh, điều kiện sống như vậy thì dịch bệnh chắc chắn sẽ xảy ra…”.

Trao đổi với chúng tôi bằng thứ tiếng Kinh chưa sõi, ông Bàn Giàu Thông (dân tộc Dao) buồn rầu cho biết, quê ông ở xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ông vào đây từ tháng 8/2008, đã phải chịu cảnh cơ cực này 6 tháng nay. Nghe người ta kể ở Tây Nguyên đất đai còn rộng, rừng còn nhiều gỗ.

Không như ở Cao Bằng núi cao, nhiều đá, ruộng đất hẹp, khô cằn, làm khó đủ ăn. Nhiều nhà vào Tây Nguyên chỉ sau 5 năm chăm chỉ làm lụng là đã có hàng trăm triệu đồng, tích lũy cả đời ở Cao Bằng cũng không bằng. Vì thế ông đã bán hết nhà cửa, vườn tược, trâu bò được 17 triệu đồng.

Vào đây tưởng có đất ngay để sản xuất. Ai ngờ kiếm đất bây giờ cũng khó. Đụng vào đâu cũng thấy đất đã có chủ. Mua thì không đủ tiền. Phá rừng lấy đất thì không được. Trở về quê cũng không được, vì nhà cửa vườn tược không còn; mà về cũng xấu mặt với người ở quê lắm...

Bây giờ mới thấm cái khổ. "Đã nhiều đêm tôi mất ngủ, nằm khóc ướt cả cánh tay. Ngẫm nghĩ, thấy mình tự khoác cái khổ vào thân, thấy chua xót, ân hận vô cùng… Không biết cuộc sống ngày mai sẽ ra sao"(!).

Vượt quá tầm địa phương

Ông Nguyễn Đình Toản, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ea Súp cho biết: Từ tháng 4/2007 đến nay đã có tới trên 500 hộ, gồm 3.800 dân là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và một số tỉnh khác DCTD đến Ea Súp, khiến toàn bộ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện phải thay đổi, thậm chí nhiều việc bị đảo lộn.

Hàng trăm lượt cán bộ của huyện phải ngừng các việc khác để đi vận động đồng bào trở về quê cũ. Hàng trăm lượt cán bộ của các ngành chức năng phải thay nhau trực, canh gác để ngăn chặn đồng bào phá rừng làm nương rẫy, ngăn chặn việc mua bán đất trái pháp luật…

Thuyết phục đồng bào trở về quê không được, huyện lại phải xin ý kiến tỉnh, lập dự án cho đồng bào định cư, định canh. Đợt đầu chúng tôi mới xin tỉnh chuyển đổi được 114ha rừng nghèo ở các tiểu khu 204 và 221 thuộc xã Cư K'bang để làm nơi ở cho 334 hộ vào trước, đất sản xuất chưa biết tính vào đâu… thì tháng 8 năm ngoái, lại 171 hộ nữa ào ào đổ tới. Vậy là huyện "bó tay", đành chờ xin ý kiến của tỉnh.

Để giải quyết tình trạng dân DCTD ồ ạt "đổ bộ" vào các tỉnh Tây Nguyên không phải là dễ và một sớm một chiều. Vì cách đây trên 15 năm cho đến bây giờ, Đắk Lắk cũng như các tỉnh Tây Nguyên và nhiều Bộ, ngành trung ương đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, soạn thảo hàng trăm văn bản, đưa ra cả loạt giải pháp ngăn chặn dân DCTD từ miền núi phía Bắc vào các tỉnh Tây Nguyên, vì họ phá rừng, vì an ninh trật tự bị ảnh hưởng, vì gây nên gánh nặng về kinh tế - xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên vốn đang nghèo khó…

Nhưng tất cả đều tỏ ra kém hiệu quả vì thiếu sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan có liên quan. Tóm lại, theo chúng tôi, đồng bào DCTD phải chịu bao cơ cực cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo, vì mong muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Không khuyến khích họ vào Tây Nguyên, phải vận động để họ không ra đi, nhưng phải ngăn chặn từ gốc, từ nơi chính quê hương họ, bằng cách tuyên truyền, giúp họ phát triển sản xuất, có thêm việc làm để có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống.

Còn khi họ đã bán hết tài sản ra đi, đã vào Tây Nguyên rồi, thì các tỉnh Tây Nguyên cũng cần phải mở rộng lòng, giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các Bộ, ngành trung ương, các tỉnh có dân đi phải thực sự chung tay với các tỉnh có dân đến, có như thế mới giải quyết nổi tình trạng dân DCTD

Gia Bảo
.
.
.