Đà Nẵng: "Nóng" việc quyết ngập úng tại các khu dân cư

Thứ Hai, 25/01/2010, 09:35
Những năm qua, do quá trình đô thị hóa, nhà cửa mọc san sát làm chắn hết các lối thoát nước kết hợp với những bất cập trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nên nhiều khu dân cư bỗng dưng bị ngập sâu và rất nan giải.

Toàn cảnh ngập lụt

Vì thi công nâng cấp một số tuyến đường xung quanh có nền đường cao hơn, khu vực hai tổ 10 và 11 của phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn bỗng dưng bị thấp trũng, người dân khổ sở vì cảnh ngập úng vào mùa mưa hoặc khi trời mưa to kéo dài, trong đó có 40 nhà dân ở tổ 10 luôn bị ngập sâu, có nhiều nhà nước ngâm đến 3 ngày.

Ở khu vực này, một số hộ có điều kiện đã nâng nền nhà cao hơn nền nhà cũ hơn 0,5mét, nhờ đó đã không còn chịu cảnh ngập nước trong nhà. Đa phần các hộ còn lại vì hoàn cảnh khó khăn chưa thể nâng nền nhà lên và dù đã đối phó bằng cách "đắp đê" bằng gạch và xi măng trước cổng nhà nhưng luôn chịu cảnh ngập úng do nước từ ngoài đường tràn vào mỗi khi trời mưa to, có nhà nước ngập sâu ngang thắt lưng, ngâm dài ngày, nhà cửa xuống cấp nặng nề…

Nhiều năm nay, người dân hai tổ 9 và 11, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu luôn khổ sở vì đường sá trũng thấp, cứ trời mưa to là bao nhiêu nước từ các khu vực rộng lớn đổ về, ngập đường, tràn vào nhà, nhất là khu vực hai bên đường Lê Anh Xuân, đoạn từ đường Hoàng Xuân Nhĩ đến Trương Chí Cương.

Theo ông Nguyễn Dân - Chủ tịch UBND phường Hòa Cường Nam, do cốt đường 2/9 cao, đường Trương Chí Cương và Lê Anh Xuân đi qua 3 tổ 9, 10 và 11 lại dốc và trũng xuống. Những năm trước thì chưa hề xảy ra ngập cục bộ mỗi khi trời mưa to do nước mưa còn dễ thoát ra sông, nhưng kể từ khi thi công hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư Hóa Châu có đất nền cao hơn và người dân đến làm nhà nhiều, khu vực trên trở thành thấp trũng và ngập cục bộ thường xuyên.

Mới đây, người dân hai tổ 9 và 11 đã làm đơn kiến nghị tập thể lên UBND thành phố xin nâng cao mặt đường để chống ngập nước khi trời mưa. Tuy nhiên, theo Công văn trả lời số 8581 ngày 30/12/2009, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, do hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đường Lê Anh Xuân đoạn từ đường Trương Chí Cương đến Hoàng Xuân Nhĩ đã hoàn thiện, do vậy đề nghị nâng cao mặt đường là không hợp lý và giao cho Công ty QLSC Công trình Giao thông và thoát nước tổ chức thực hiện việc nạo vét cống rãnh tại khu vực nêu trên.

Xói lở đường, làm sập nhà…

Kể từ khi Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh đi vào hoạt động, người dân khu vực tổ 61 (Hồng Phước), phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu luôn khổ sở mỗi khi trời mưa to vì toàn bộ nước mưa hòa với nước thải của KCN chảy qua tuyến kênh và cống Bà Lụa nhỏ hẹp, gây ngập lụt, đường sá bị xói lở…

Trong trận bão Ketsana và những trận mưa lớn sau đó, hơn 50 mét đường đất đi giữa thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và khu vực Hồng Phước, đoạn hai bên cống Bà Lụa bị xói lở nham nhở, nhiều hố sâu, người đi đường qua lại rất vất vả. Nước mưa còn cuốn trôi vách và xói lở nham nhở nền nhà ông Võ Trác, phải dọn đi nơi khác ở; xói sập 150 mét tường rào xây bằng gạch (cao 1,4mét) của nhà bà Lưu Thị Mai…

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này theo người dân Hồng Phước phản ánh là do khẩu độ cống Bà Lụa quá nhỏ hẹp, không đủ để thoát lượng nước khổng lồ ở trong KCN đổ về khi trời mưa lớn, khiến nước ứ lại, ngập tràn và phá ra xung quanh để thoát ra cánh đồng thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên và phường Hòa Hiệp Nam.

Theo phản ánh của người dân, chung quy lại khẩu độ cống Bà Lụa vẫn quá nhỏ, mở rộng ít nhất phải gấp đôi khẩu độ cống hiện tại mới có khả năng thoát được một lượng lớn nước, hạn chế ngập lụt thường xuyên.

Ông Phạm Đình Nam - Phó Bí thư Chi bộ Hồng Phước đề nghị: "Thành phố sớm di dời, giải tỏa, bố trí người dân chúng tôi tái định cư nơi khác chứ nếu còn để chúng tôi ở lại đây thì quan tâm sửa lại đường sá để bà con đi lại dịp Tết; mở rộng kênh và khẩu độ cống Bà Lụa để thoát nước dễ dàng hơn, hạn chế ngập lụt".

Được biết, mới đây UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 8371 giao Sở Xây dựng kiểm tra, quy hoạch thoát nước KCN Hòa Khánh đoạn từ tổ 61, phường Hòa Khánh Bắc ra sông Cu Đê. Thiết nghĩ, bên cạnh việc sớm mở rộng khẩu độ cống Bà Lụa, về lâu dài thành phố cũng cần phải đầu tư kinh phí kiên cố hóa kênh thoát nước mưa và nước thải đã qua xử lý của KCN Hòa Khánh ra sông Cu Đê, không để nước mưa lẫn nước thải chảy qua đồng ruộng của nông dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên và phường Hòa Hiệp Nam như hiện nay

Viết Nam
.
.
.