Đà Nẵng: Điểm mặt những công trình lãng phí

Thứ Năm, 09/10/2008, 09:46
Nhiều công trình kết cấu vĩnh cửu, xây dựng quy mô, nhưng chỉ dăm ba năm đưa vào sử dụng đã bị đập bỏ, mất không hàng tỷ, có khi hàng chục tỷ đồng. Ai chịu trách nhiệm về sự lãng này?

Khu nhà xưởng chỉ tồn tại 4 năm

Hồi chưa giải thể, Lâm trường Sông Nam (Sở Thuỷ sản nông lâm, nay là Sở NN&PTNT - TP Đà Nẵng), có 2 hoạt động chủ yếu đó là quản lý bảo vệ trên 24 nghìn ha rừng tự nhiên thuộc khu vực giàu tài nguyên lâm sản và chế biến lâm sản xuất khẩu.

Năm 2002, UBND thành phố Đà Nẵng cho phép lâm trường này đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng tại phường Hoà Khánh (Liên Chiểu), nay là phường Hoà Khánh Bắc, để mở rộng lĩnh vực chế biến lâm sản, tổng vốn đầu tư khoảng 7 tỷ đồng.

Khi đi vào hoạt động (đầu 2003), đơn vị này đã triển khai sản xuất đúng kế hoạch đề ra. Thời kỳ cao điểm, xưởng thu hút gần 300 lao động, mỗi tháng xuất khẩu 3-4 container hàng mộc dân dụng.

Năm 2006, TP Đà Nẵng có chủ trương giải thể Lâm trường Sông Nam, chuyển mục đích sử dụng hơn 1ha đất của đơn vị này bao gồm khu nhà xưởng, khu văn phòng… để xây dựng khu dân cư. Toàn bộ cơ ngơi của đơn vị này phải giải toả.  Khu nhà xưởng khá quy mô được lắp đặt trang thiết bị chuyên dùng hiện đại, chỉ tồn tại 4 năm, thật uổng.   

Ngôi nhà  phải đập bỏ sau 3 năm đưa vào sử dụng

Đó là nhà làm việc của Công ty Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi Đà Nẵng, tại địa phận phường Hoà Thọ đông (Cẩm Lệ) bên QL1, gần Cầu Đỏ. Ngôi nhà này có kết cấu bêtông cốt thép vĩnh cửu, 2 tầng, xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2003, vốn đầu tư ngót tỷ đồng.

Phải nói rằng, ngày đưa vào sử dụng, không chỉ nhà kết cấu đẹp, bền vững mà ở vị trí khá lý tưởng, mặt tiền quốc lộ lớn. Thế nhưng, ngôi nhà này chỉ tồn tại 3 năm. Dự án mở rộng nâng cấp QL1A triển khai, buộc phải đập bỏ do vị trí nhà nằm trên lộ giới đường. Nay ngôi nhà kiên cố bền vững và trang nhã ấy chỉ còn trong ký ức một số người.      

Công trình đầu tư 17 tỷ đồng, tồn tại 8 năm.

Cảng cá Thuận Phước là công trình có kết cấu vĩnh cửu do Nhà nước đầu tư nhằm tạo điều kiện cho hoạt động khai thác hải sản ở Đà Nẵng phát triển. Công trình đưa vào sử dụng cuối năm 2000, đủ khả năng đón hàng chục tàu cá vào neo đậu nhận trả hàng/ ngày đêm.

Tại đây, ngoài 2 cầu cảng, khu nhà điều hành, nhà lồng tập kết hải sản xây dựng kiên cố còn hàng chục doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần nghề cá cũng có cơ ngơi khá quy mô với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng. Từ ngày cảng đưa vào hoạt động, khai thác hải sản ở Đà Nẵng khởi sắc.

Giữa năm 2008, dự án xây dựng đường Bạch Đằng nối dài triển khai đã nuốt chửng công trình đầu tư trên chục tỷ đồng có nhiều lợi ích này. Toàn bộ kiến trúc( trừ 2 cầu cảng) tại đây đã đập bỏ. Thế là thêm một công trình kiên cố nữa ở Đà Nẵng phải chết yểu do dự án khác đè lên.

Lãng phí của lĩnh vực này chưa dừng lại ở đó, khi cảng cá di dời vào âu thuyền Thọ Quang, nơi nhiều người vẫn cho rằng không có tính khả thi. Cảng mới, vốn đầu tư trên 12 tỷ đồng đang triển khai xây dựng, bao gồm cầu đậu tàu, khu chợ cá, nhà điều hành… Tuy nhiên, với những hạn chế không thể khắc phục được ở vị trí mới này.

Qua 3 tháng đi vào hoạt động cho thấy ở vị trí mới này quá bất cập, tàu cá vào neo đậu nhận trả hàng chỉ bằng 40% so với ở cảng cũ tại phường Thuận Phước (Hải Châu). Nguy cơ công trình đầu tư trên chục tỷ đồng lâm vào cảnh lãng phí khi không phát huy được yêu cầu thiết kế đã thấy rất rõ. Và ai sẽ chịu trách nhiệm trước sự lãng phí này, khi mà biết cảng ở vị trí này không khả thi vẫn cố tình xây dựng?

Trên đây chỉ là 3 trong rất nhiều công trình có kết cấu bền vững ở Đà Nẵng tồn tại thời gian ngắn do dự án khác đè lên. Sự thiếu tầm nhìn trong quy hoạch đã làm tổn thất không nhỏ tài sản của Nhà nước. Sự lãng phí này chỉ Nhà nước và nhân dân gánh chịu, chưa có cá nhân tập thể nào chịu trách nhiệm.  Ai cũng cho rằng sự nguy hại của lãng phí chẳng kém gì nạn tham nhũng. Và như vậy, cần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng này

Nguyễn Cầu
.
.
.