DN vi phạm bản quyền phần mềm sẽ bị “cấm cửa” vào Hoa Kỳ

Thứ Sáu, 24/10/2014, 11:00
Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị kiện ra tòa án ở trong nước, các doanh nghiệp (DN) sử dụng phần mềm bất hợp pháp, đặc biệt là các DN xuất khẩu còn phải đứng trước rủi ro bị cấm xuất khẩu vào một số thị trường quốc tế lớn như Hoa Kỳ. Đó là khuyến cáo được các chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) đưa ra, trong bối cảnh ngày càng có nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cố tình lách luật, vi phạm bản quyền phần mềm máy tính (BQPMMT).

Theo thông tin mới nhất từ Đoàn thanh tra liên ngành do Bộ VH,TT&DL phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an, thời gian qua, nhiều cuộc thanh tra liên ngành đã được tiến hành tại nhiều DN, đa phần đều phát hiện các hành vi xâm phạm bản quyền với các mức độ vi phạm khác nhau, trong đó có hiện tượng các DN nước ngoài chỉ mua một số lượng phần mềm có bản quyền rất ít để lách luật.

Đơn cử như trong cuộc kiểm tra đột xuất một DN 100% vốn đầu tư của Đài Loan là Công ty TNHH Công nghệ Y tế Perfect Việt Nam có địa chỉ tại lô D7/1, đường 1B, KCN Vĩnh Lộc, TP Hồ Chí Minh, đoàn Thanh tra liên ngành đã phát hiện số lượng lớn phần mềm vi phạm trị giá hàng tỷ đồng. Trong số 44 máy tính kiểm tra, Đoàn thanh tra đã tìm thấy 124 phần mềm các loại từ các phần mềm chuyên dụng dành cho thiết kế đồ họa của Autodesk như AutoCAD, các phần mềm Adobe Photoshop đến các phần mềm thông dụng của Microsoft, thậm chí cả phần mềm có chi phí rất ít như Từ điển Lạc Việt. Điều đáng chú ý là trong số 124 phần mềm, Perfect Việt Nam chỉ cung cấp được giấy phép sử dụng cho 10 phần mềm của Microsoft.

“Là DN có 100% vốn nước ngoài, có tiềm lực tài chính mạnh như Perfect Việt Nam, đồng thời cũng là một DN có tiếng trong lĩnh vực sản xuất, gia công dụng cụ y tế và phụ tùng nhựa, cao su cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu song Perfect Việt Nam vẫn cố tình trốn tránh việc mua bản quyền phần mềm; thậm chí cố tình mua một lượng bản quyền rất nhỏ để lách luật. Điều này cho thấy việc vi phạm bản quyền phần mềm đang diễn ra ở mức báo động, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước cần phải siết chặt quản lý, đặc biệt là đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài”- ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL nhấn mạnh.

Đoàn thanh tra liên ngành Bộ VH,TT&DL và Bộ Công an trong một cuộc kiểm tra tại doanh nghiệp.

Luật sư Trần Mạnh Hùng, Công ty Tư vấn Luật Baker & McKenzie, cho rằng: Điều đáng mừng là hành lang pháp lý xử phạt của Việt Nam và quốc tế cho hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ nói chung, vi phạm phần mềm máy tính nói riêng đang có xu hướng ngày càng được xiết chặt. Tại Việt Nam, hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các DN có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền SHTT của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật SHTT hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật SHTT. Mức độ thiệt hại được xác định dựa trên những tổn thất thực tế đối với người có quyền SHTT, do hành vi vi phạm quyền SHTT gây ra. Vụ việc Công ty TNHH Quốc tế Gold Long John Đồng Nai Việt Nam phải đền bù hơn 1 tỷ và công khai xin lỗi Microsoft và Lạc Việt do xâm phạm bản quyền phần mềm của hai DN này vào cuối năm 2013 vẫn còn nóng hổi, đồng thời là bài học nhãn tiền cho các DN nước ngoài khác cố tình vi phạm.

Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, tại Hoa Kỳ, các DN xuất khẩu sẽ phải đối mặt với các hình phạt rất nặng nề khi 36 bang của Mỹ đã áp dụng Bộ luật Cạnh tranh không lành mạnh (UCA). DN vi phạm sẽ bị chính những đối thủ có mặt hàng cạnh tranh có trụ sở ở bất kỳ nơi nào trên thế giới hoặc Chưởng lý (người phụ trách vấn đề pháp lý) của các bang khởi kiện. Nếu không chứng minh được mình sử dụng phần mềm, phần cứng hợp pháp, hoặc không chấm dứt việc sử dụng CNTT trái pháp luật trong vòng 90 ngày sau khi nhận được thông báo thì có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại, bị tịch thu hàng hóa và quan trọng hơn là xếp trong "danh sách đen" bị cấm xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Huyền Thanh
.
.
.