DN tự hại nhau, rau quả khó XK

Thứ Sáu, 17/07/2009, 11:19
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2009 đạt 450 - 470 triệu USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều thị trường không có đơn hàng xuất khẩu. Trong đó, có nguyên nhân là các doanh nghiệp đã tự hại nhau bằng cách làm ăn chụp giật, bán phá giá…

Chất lượng ATVSTP chưa được kiểm soát chặt

Tại Việt Nam, ngoài những hạn chế về mặt kỹ thuật của người sản xuất rau quả thì tình trạng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả hiện vẫn còn tràn lan trên thị trường nhưng việc quản lý và chế tài các hành vi làm giả trên của cơ quan chức năng chưa đủ mạnh nên việc kiểm soát chất lượng ATVSTP rau quả còn nhiều khó khăn.

Theo nhận định của một số chuyên gia, 3 năm trước đây chứng nhận HACCP từng được xem là tiêu chuẩn tiến bộ nhất mà người mua đòi hỏi thì nay họ còn đi xa hơn nữa và HACCP trở thành tiêu chuẩn đương nhiên phải có.

Còn tiêu chuẩn BRC trong năm tới sẽ trở thành quy chuẩn yêu cầu của các chuỗi siêu thị lớn ở Châu Âu, và một số chuỗi siêu thị lớn như: Tesco, Rewe cũng ngày càng đưa ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Siêu thị Edeka (Đức) còn muốn đưa ra danh sách hàng trăm các chất không được phép sử dụng trong rau quả mặc dù luật pháp EU vẫn cho phép…

Nhiều loại trái cây Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường xuất khẩu do chất lượng ATVSTP chưa được kiểm soát nghiêm ngặt và tình trạng doanh nghiệp bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Điều đó cho thấy, nếu chất lượng ATVSTP trong rau quả không được kiểm soát nghiêm ngặt thì sẽ khó tồn tại ở một số thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp tự hại nhau

Theo ông Huỳnh Quang Đấu - Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm giảm 30% so cùng kỳ năm 2008, nguyên nhân là do các doanh nghiệp tự hại nhau bằng cách bán phá giá.

Ông Lý Hải Long - Giám đốc xuất khẩu Công ty TNHH TM DV Bảo Thanh cho biết, việc thực hiện các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU đối với nhà xuất khẩu sang EU là một cam kết về chất lượng, trách nhiệm, chuỗi liên kết đối với cộng đồng trong thời gian dài nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở.

Vì vậy, trên thực tế đã từng đã xảy ra việc doanh nghiệp trộn lẫn sản phẩm đã thực hiện SPS và sản phẩm không tuân thủ SPS để giảm giá thành sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh. Ông Lý Hải Long cũng cho biết, từ đầu năm đến nay công ty chưa xuất được container nào sang EU do nhiều doanh nghiệp chào bán với giá quá rẻ.

Trước tình trạng này, ông Lý Hải Long cho rằng, cơ quan Nhà nước nên tăng cường giám sát, nghiêm túc về các tiêu chuẩn SPS tại Việt Nam, có chế tài thật mạnh với các thành phần cơ hội. Không cho xuất khẩu nếu không đạt tiêu chuẩn (như cách làm của APHIS - Mỹ về thanh long tại Việt Nam). Phải chặn trước chứ không để vi phạm xảy ra tại một số nước đến như EU, Mỹ, Nhật - những nơi rất tôn trọng pháp luật, an toàn về sức khỏe là hàng đầu...

Phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các cam kết quốc tế, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc công bố hợp quy, hợp chuẩn các loại hàng hóa do mình sản xuất...

Cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn nông dân sử dụng đúng liều lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Và đặc biệt, cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra chặt chẽ chất lượng các loại rau quả trước khi thông quan

K.Ngân
.
.
.