ĐBSCL: Tàu biển trọng tải lớn sắp vào được sông Hậu

Thứ Hai, 05/05/2014, 07:53
Sau một thời gian dài bị đình hoãn do thiếu vốn, dự án luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu đã chính thức khởi công lại vào cuối tháng 3 vừa qua. Dự kiến, năm 2015, tàu biển trọng tải lớn sẽ vào được sông Hậu để vận chuyển hàng hóa đi các nơi…

Dự án sẽ cải tạo, nạo vét 46,5km luồng, bao gồm đoạn sông Hậu dài 12,1km, đoạn kênh Quan Chánh Bố dài 19,2km, đoạn kênh tắt dài 8,2km (đào mới thông ra biển) và đoạn kênh biển dài 7km. Bên cạnh các hạng mục chính, dự án còn xây dựng một đê chắn sóng phía Nam dài 2,4km; kè bảo vệ bờ; khu tránh tàu và hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải... Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lại là 9.781 tỉ đồng (dự toán đầu tư trước đó khoảng 5.000 tỉ đồng). Dự kiến, đến cuối năm 2015 các hạng mục chính như xây dựng đê chắn sóng phía Nam; nạo vét luồng cho tàu 10.000 tấn đầy tải và tàu 20.000 tấn giảm tải với chiều dài 46,5km sẽ hoàn thành và thông luồng. Giai đoạn sau 2015, sẽ hoàn thành các hạng mục còn như kè bảo vệ bờ đoạn sông Hậu và đoạn kênh Quan Chánh Bố; bến sà lan 500 tấn; đường ven kênh tắt; các tuyến đường kết nối; trạm quản lý luồng; hệ thống báo hiệu hàng hải điện tử…

Thi công kênh tắt Quan Chánh Bố - một hạng mục quan trọng của dự án để tàu trọng tải lớn ra, vào sông Hậu.

Trước đó, dự án từng khởi công vào tháng 12/2009 và đã thi công một số hạng mục, sau đó bị đình hoãn do thiếu vốn theo tinh thần Nghị quyết số 11. Nhận thấy tầm quan trọng của công trình, Quốc hội đã tái cấp vốn trái phiếu Chính phủ và cho phép tái khởi động dự án. Trên thực tế, dự án có vai trò là tuyến giao thông thủy huyết mạch phục vụ ổn định và phát triển kinh tế toàn khu vực ĐBSCL. Ngay sau khi được Quốc hội phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016, Cục HHVN đã khẩn trương chỉ đạo đơn vị tư vấn phối hợp với các nhà khoa học đầu ngành rà soát lại dự án nhằm đảm bảo sự phù hợp về kinh tế, kỹ thuật và yêu cầu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí đầu tư, Bộ GTVT đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối, kết hợp dự án này với dự án Trung tâm Điện lực Duyên hải. EVN thực hiện đê phía Bắc, Bộ GTVT thực hiện đê phía Nam.

Ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN) cho biết, quá trình lập dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo tư vấn trong và ngoài nước đánh giá, phân tích các khía cạnh kỹ thuật công trình, đánh giá tác động môi trường, hiệu quả kinh tế, tài chính... Kết quả nghiên cứu cho thấy, dự án có tính khả thi cao, đáp ứng được các yêu cầu về môi trường sinh thái, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn... Liên danh tư vấn SNC Lavalin (Canada), Royal Haskoning (Hà Lan) và Portcoast (Việt Nam) đã khẳng định vị trí cửa ra kênh tắt là nơi có tính ổn định đường bờ cao nhất. Luồng đi qua kênh tắt và kênh Quan Chánh Bố có chiều rộng chỉ 220 - 250m, chỉ là nhánh rất nhỏ của sông Hậu, tiếp thu rất ít lưu lượng dòng chảy từ sông Hậu, hạn chế ảnh hưởng yếu tố sông, cửa kênh nhỏ, được đê chắn sóng bảo vệ, mở ra tại khu vực đường bờ ổn định nhất, hạn chế được các yếu tố ảnh hưởng từ biển, đảm bảo được sự ổn định của luồng với khối lượng sa bồi trên luồng khoảng 1,1 triệu m3/năm.

Cảng Cái Cui (Cần Thơ) đủ năng lực đón tàu 20.000 tấn.

Theo thống kê, năm 2012 sản lượng hàng hóa qua các cảng của khu vực ĐBSCL là 6,67 triệu tấn trên tổng số 30 triệu tấn cần vận chuyển.

Trong đó, 80% hàng hóa xuất, nhập khẩu phải chuyển lên các cảng ở khu vực TP Hồ Chí Minh, hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu, do luồng sông Hậu chỉ đáp ứng được cho tàu 5.000 tấn. Việc chuyển hàng hóa lên các cảng ở TP Hồ Chí Minh đã khiến chi phí tăng thêm từ 170-180 USD/container. Nếu luồng tàu qua Quan Chánh Bố sớm đưa vào khai thác, sẽ giúp hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL được vận chuyển thẳng bằng tàu lớn từ sông Hậu đi các nơi. Không phải tiếp chuyển lên các cảng khu vực TP Hồ Chí Minh. Điều này giúp nâng cao thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của ĐBSCL; giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh hàng hóa của khu vực; giảm áp lực vận tải đường bộ từ ĐBSCL lên TP Hồ Chí Minh; giảm TNGT, ùn tắc giao thông, nâng cao TTATGT đường bộ; nâng cao hiệu quả khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông khu vực ĐBSCL...

Ngoài ra, dự án sau khi đưa vào khai thác sẽ phát huy tối đa hiệu quả các cảng trên sông Hậu, như: khu vực TP Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, các trung tâm nhiệt điện sông Hậu (Hậu Giang), Long Phú (Sóc Trăng)... Với năng lực thông quan luồng tàu 22 triệu tấn/năm, luồng cho tàu trọng tải lớn vào sông Hậu sẽ đóng vai trò huyết mạch ổn định lâu dài, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH bức thiết của khu vực ĐBSCL

Văn Đức
.
.
.