ĐBSCL: Cẩn trọng với giống lúa “siêu Trung Quốc”

Thứ Ba, 23/09/2014, 11:47
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng lúa Ma Lâm 202 (ML202), hay còn gọi là lúa “siêu Trung Quốc”. Đây là loại lúa phẩm chất thấp, trước nay chỉ trồng cho… gà ăn, nhưng giờ lại được nông dân đua nhau gieo sạ vì thị trường có nhu cầu.

Giống lúa ML202 có thời gian sinh trưởng khoảng 92 ngày, đây là loại lúa hạt tròn. Vài năm gần đây, giống lúa này lại sinh trưởng ở một số tỉnh ĐBSCL, trong đó diện tích trồng nhiều là ở tỉnh Vĩnh Long.

Theo Trung tâm Thông tin nông nghiệp nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long), vụ hè thu năm 2014, toàn tỉnh có 5.300ha lúa ML202, chiếm 9,2% diện tích xuống giống. Trong đó, huyện Mang Thít có 4.800ha, huyện Long Hồ có 232ha, Vũng Liêm có 202ha…

Ông Trương Tấn Được, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mang Thít cho biết: “Thời gian đầu, chỉ một vài hộ dân trong huyện gieo sạ giống lúa ML202. Sau đó, họ thấy lúa trúng mùa, năng suất cao hơn lúa IR50404, lại bán được nên ồ ạt mở rộng diện tích. Hiện giống lúa này chiếm đến 30% giống lúa gieo sạ trong toàn huyện”. Sở dĩ lúa này được trồng nhiều do có năng suất và mua bán hiện khá thuận lợi. Nhiều thương lái từ các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bình Dương thu mua toàn bộ sau khi nông dân thu hoạch.

Bà Lê Thị Lệ Hoa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Xuân Hiệp (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) là một trong những người đem giống lúa ML202 đầu tiên về xã trồng. Bà Hoa bày tỏ: “Cuối năm 2012, tôi mua giống lúa ML202 từ Bình Thuận về trồng. Thấy trúng quá, năng suất đạt trên 1 tấn/công nên sau đó tôi tự nhân giống rồi bán cho một số nơi ở Trà Vinh”. Còn ông Lê Ngọc Minh (ngụ xã Xuân Hiệp) cũng vui mừng khi vụ Đông Xuân vừa qua, ông gieo sạ 30 công lúa giống ML202. Sau thu hoạch, năng suất đạt hơn 7,5 tấn/ha, giá bán ở mức trên 5.000 đồng/kg, cao hơn lúa IR50404.

Một số nông dân cho biết, những thương lái mua lúa ML202 về để cho gà vịt ăn là chủ yếu, hoặc làm bánh, làm bột (nhưng nhu cầu không nhiều). Ông Được nhận định: “Không nên mở rộng diện tích giống ML202 vì đầu ra chưa đảm bảo, chủ yếu phụ thuộc vào các thương lái”. Ngoài ra, do không lấy trực tiếp từ nơi sản xuất (Bình Thuận), người dân phần lớn sử dụng giống từ vụ trước để sản xuất cho vụ lúa tiếp theo, dẫn đến bị thoái hóa giống, lẫn tạp khá nhiều, kéo theo đó là tình trạng rầy nâu và một số bệnh khác xuất hiện ngày cao.

Theo Bộ NN&PTNT, giống lúa Ma Lâm 202 là giống lúa bột nở, chỉ phù hợp với vùng đất Đông Nam Bộ nên được xác định là giống chủ lực khu vực Đông Nam Bộ. Nếu đưa vào vùng ĐBSCL sẽ phải tuân thủ các quy định về trồng theo mô hình. Nếu không sẽ gây ra lẫn giống, làm ảnh hưởng tới các giống lúa hạt dài, có chất lượng cao dành cho xuất khẩu

Như Anh
.
.
.