ĐBSCL: Các khu kinh tế cửa khẩu chưa đủ lực để phát triển
Với mục đích thúc đẩy khu vực ĐBSCL phát triển mạnh, phát huy lợi thế là cầu nối giữa ĐBSCL, Đông Nam Bộ với các nước cùng khu vực kinh tế năng động ASEAN, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang qui hoạch, xây dựng nhiều khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) dọc tuyến biên giới với Campuchia. Nhưng sau nhiều năm thực hiện, bộ mặt các khu KTCK vẫn chưa có gì nổi bật.
Tại các tỉnh này, nhà đầu tư hết sức dè dặt sau chuyến tìm hiểu, khảo sát thực tế. Chính quyền địa phương biên giới kể trên thì than đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc, rất cần được cơ chế riêng, thông thoáng.
Dàn hàng ngang
Theo qui hoạch hiện tại, ba tỉnh: Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, bình quân 70km đường biên giới sẽ có một khu KTCK. Tỉnh An Giang có gần 100km đường biên giới giáp với 2 tỉnh Cần Đan và Tà Keo (Campuchia). Đây được xem như là cửa ngõ lý tưởng để doanh nghiệp Việt
Chính quyền tỉnh An Giang quyết định xây dựng 3 khu KTCK Tịnh Biên, Vĩnh Sương và Khánh Bình, tổng diện tích 26.500 ha, với đầy đủ các phân khu chức năng như khu bảo thuế, kho ngoại quan, trung tâm thương mại, đô thị, chợ nông sản, khu vui chơi giải trí…
Tương tự như An Giang, hai tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang cũng qui hoạch xây dựng 4 khu KTCK là Thường Phước, Dinh Bà, Hà Tiên và Phú Quốc. Các khu KTCK này cũng chẳng thiếu khu chức năng nào.
Tuy nhiên, việc xúc tiến xây dựng các khu KTCK mấy năm qua rất ì ạch, thậm chí hầu hết còn nằm trên giấy. Theo BQL các khu KTCK tỉnh An Giang, đến nay, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho 3 khu KTCK chỉ khoảng 100 tỷ đồng và hiện vẫn còn loay hoay ở công đoạn giải phóng mặt bằng.
Chỉ khu KTCK Tịnh Biên là có cụm công nghiệp Xuân Tô, diện tích 57ha đang xây dựng hạ tầng giai đoạn I. Khu bảo thuế ở cửa khẩu, siêu thị miễn thuế được 5 nhà đầu tư (ở An Giang và TP HCM) đăng ký xây dựng. Có 5 nhà đầu tư đăng ký vốn hơn 50 tỷ đồng hoạt động trên các lĩnh vực gỗ, nhựa, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.
Đâu phải chỉ thiếu vốn
Có thể khẳng định, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang khá chủ động qui hoạch xây dựng các khu KTCK đón đầu hội nhập. Tuy nhiên, các địa phương này đang trong cảnh lực bất tòng tâm. Khó khăn lớn nhất là thiếu vốn trầm trọng, cơ chế chưa thông thoáng, làm cho quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng ì ạch, từ đó cản trở việc kêu gọi đầu tư, thậm chí nản lòng nhà đầu tư… Có địa phương lập BQL riêng rẽ. Có nơi do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện kiêm nhiệm nhưng thực chất vẫn không có quyền hành gì đáng kể, còn lệ thuộc nhiều vào các sở, ngành và UBND tỉnh.
Theo ngành chức năng An Giang, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông huyết mạch nối An Giang với các tỉnh biên giới Campuchia chưa hoàn chỉnh ở cả hai phía, gây cản trở không nhỏ đối với hoạt động giao thương. Cụ thể như khu KTCK Vĩnh Sương chưa đến giai đoạn chín mùi, chủ yếu là đường sông. Phía Campuchia chưa có đường bộ tiếp giáp. Hạ tầng đường bộ phía Việt |
Tổng nhu cầu vốn đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng của 3 khu KTCK ở An Giang là 1.000 tỷ đồng nhưng sau 4 năm triển khai mới rót vào khoảng 100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng BQL các khu KTCK An Giang cho biết: “Cơ chế chính sách về các khu KTCK hiện nay trên cả nước chưa đồng bộ. Theo qui định hiện hành, mỗi năm Trung ương rót khoảng 10 tỷ đồng/khu KTCK. Nhỏ giọt như vầy thì quá ít so với nhu cầu. Chúng tôi đang lập đề án trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách riêng, thông thoáng như Chu Lai, Mộc Bài, Lao Bảo… để nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, vốn đầu tư, ưu đãi đầu tư…”.
Ông Nguyễn Vạn Lý - Giám đốc BQL Dự án khu KTCK quốc tế Thường Phước, cho biết: "Khu này chưa hấp dẫn các nhà đầu tư do cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động của khu kinh tế này chậm xây dựng.
Nguốn vốn Trung ương rót mỗi năm chỉ đáp ứng 10% nhu cầu. Ngân sách tỉnh còn hạn chế nên một số công trình chậm thực hiện. Bên cạnh đó, hiện còn 13km đường từ Mương Miễu đến Thường Phước chưa được xây dựng; đi lại khó khăn làm nản lòng các nhà đầu tư. Việc giải phóng mặt bằng gặp trở ngại vì khu tái định cư chưa xây dựng xong.
Đối với khu KTCK Hà Tiên (Kiên Giang), việc chậm xây dựng các hạng mục cơ bản, nhất là chưa nâng cấp cửa khẩu Xà Xía lên thành cửa khẩu quốc tế là lực cản lớn đối với sự phát triển của khu này. Lãnh đạo một địa phương khẳng định: "Ngoài chuyện quy hoạch, đầu tư dàn trải, thiếu vốn, các khu KTCK ở miền Tây Nam Bộ còn lệ thuộc quá nhiều vào cơ chế xin - cho"(?!)