Cứu doanh nghiệp cần bắt đúng "bệnh"

Thứ Ba, 08/05/2012, 23:39
Trước tình hình doanh nghiệp đối diện với nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đang trình Quốc hội gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 29 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các giải pháp hỗ trợ tập trung giãn thuế giá trị gia tăng, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% tiền thuê đất cho doanh nghiệp.
>> "Cứu" doanh nghiệp trước những cú sốc

Nhận định về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lý Ngọc Bạch, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát cho rằng, gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào khó khăn. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp cần nhất hiện nay chính là vốn và lãi suất nên để gói giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp được triển khai có hiệu quả, Nhà nước nên thực hiện hỗ trợ 1 phần lãi suất cho doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/4, cả nước có 647.627 doanh nghiệp đã đăng ký thành lập nhưng trong đó chỉ có 463.802 doanh nghiệp đang hoạt động. Điều đáng lo ngại nhất là trong khi số doanh nghiệp mới thành lập liên tục giảm thì số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động lại tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây.

Doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn về vốn và lãi suất và đang rất cần được hỗ trợ.

Phòng Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, trong năm 2011 và quý I-2012, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận, doanh số, hàng tồn kho, hiệu suất sử dụng máy móc và số lượng lao động.

Phần lớn các doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể là do kinh doanh thua lỗ. Về triển vọng kinh doanh trong năm 2012, có tới 68,5% số doanh nghiệp có kế hoạch tiếp tục duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, 31,5% sẽ thu hẹp quy mô kinh doanh và một bộ phận trong số này có thể sẽ phải ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Trước thực trạng này, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến TP HCM nhận định: Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý II sẽ tiếp tục khó khăn sâu hơn. Nói về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp 29.000 tỷ đồng, ông Mạnh cho rằng, doanh nghiệp nhận được hỗ trợ đúng vào thời điểm khó khăn của doanh nghiệp ngày càng đi đến đỉnh điểm, đó là điều rất đáng quý.

Thế nhưng, song song với gói giải pháp hỗ trợ, Nhà nước cũng cần xem lại bởi nếu doanh nghiệp không tạo ra được lợi nhuận thì làm sao có thể thực hiện nghĩa vụ đóng thuế. Vì vậy việc tìm hiểu xem doanh nghiệp đang khó ở điểm nào để hỗ trợ kịp thời là điều rất cần thiết.

Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, "sức khỏe" của phần lớn doanh nghiệp hiện nay đang suy giảm rõ rệt cần phải được "điều trị" cấp bách để tiếp tục được ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là "liều thuốc đặc trị" cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cho rằng, về lâu về dài nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 20% vì mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang rất cao.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp khẳng định: "Bản thân 29 ngàn tỷ đồng là không nhiều. Vì vậy, cần chọn đúng những doanh nghiệp đang gặp khó khăn thật sự do những nguyên nhân chủ quan nhưng vẫn có khả năng đứng dậy và khả năng cạnh tranh cao. Khi thực hiện gói hỗ trợ này phải tránh hình thức tiếp cận gói hỗ trợ bằng các mối quan hệ thân quen, mặc cả… nên thực hiện minh bạch, đúng quy trình và tiêu chuẩn. Có như vậy mới tạo được lòng tin cho doanh nghiệp"

K.Ngân - K.Nga
.
.
.