Cuối năm, “cò” vé tàu, xe khách “dù” lộng hành

Thứ Năm, 27/12/2012, 09:36
Tại phía Nam, đại diện lãnh đạo ga Sài Gòn khẳng định: không có “cò” vé trong sân quảng trường nhà ga, song từ cổng ga trở ra, “cò” vé vẫn hoạt động… Không chỉ có “cò” vé tàu, dù công ty quản lý bến xe khách vẫn khẳng định là cung ứng đủ nhu cầu dịp Tết, nhưng tình trạng xe dù, xe nhồi nhét khách vẫn diễn ra.

“Tôi làm việc trong ngành Đường sắt hàng chục năm, mà mỗi lần qua cổng ga, phe vé vẫn mời ầm ầm”. Đó là chia sẻ của ông Trần Gia Tiến, Phó Giám đốc Công ty Toa xe khách Hà Nội trong một cuộc họp gần đây khi nhắc đến tình trạng phe vé ở ga Hà Nội. Đi lại bằng phương tiện gì trong dịp Tết cho an toàn, thoải mái, vẫn là nỗi lo muôn thuở của nhiều người dân.

“Cò” vé tàu rộng đất sống

Ghi nhận của phóng viên vào sáng 26/12 cho thấy, dù không phải ngày nghỉ, nhưng lượng người tìm đến mua vé tàu đã ngày một đông. Phần lớn trong số đó là mua vé tàu về quê dịp Tết âm lịch với các tuyến như Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Nghệ An, Hà Nội - Thanh Hóa… Tuy nhiên, sau hàng tiếng lấy số, xếp hàng chờ đợi đến lượt mua vé, không ít khách đã phải ra về tay không vì nhà ga thông báo đã hết vé tàu Tết mà họ muốn mua. Trong ga là thế, song trong vai người không mua được vé tàu Tết để về quê, vừa ngó mặt ra cổng ga, tôi đã được “cò” tiếp cận gạ gẫm bán vé tàu Tết. Người phụ nữ trạc tuổi 50 khẳng định, vé Thanh Hóa, Nghệ An trong ga đều hết rồi, bọn chị cũng phải “đi mò” mới có cho em.

Sau khi đưa ra mức giá, tôi thắc mắc “sao giá gấp đôi giá Nhà nước thế” thì được “cò” cho biết: “Bọn em mua vé muộn, không mua được trong ga thì phải chấp nhận giá cao như vậy thôi. Có đồng ý thì chị gọi người chuẩn bị vé cho em, cũng phải trưa quay lại mới có chứ bây giờ cũng chưa lấy ra được”. Tôi hỏi thêm “vé có đảm bảo không, biết đâu lại ghế phụ”, người phụ nữ này khẳng định “bọn chị làm ăn đàng hoàng, giao vé lấy tiền, vé có số ghế đàng hoàng, không lừa bịp bọn em đâu mà lo”. Tương tự, tuyến Hà Nội- Nghệ An dù trong ga thông báo hết vé nhưng bên ngoài, cò hét giá 600.000 đồng/vé giường nằm, trong khi, giá Nhà nước chỉ bằng một nửa.

Nói đến tình trạng “cò”, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Ga Hà Nội khẳng định: làm gì có “cò”. Có chăng chỉ là vài người đứng ở trước cửa ga, mời chào lung tung, người dân không nên tin. Thế nhưng, tại cuộc họp giao ban phối hợp quy chế giữa Tổng công ty với ngành Công an, ông Trần Gia Tiến, Phó Giám đốc Công ty Toa xe khách Hà Nội thì thừa nhận: trong ngành Đường sắt có hai mùa phục vụ cung không đủ cầu là dịp hè và dịp Tết, đây cũng là áp lực lớn. Nạn phe vé, cò vé cũng sinh ra từ đây. Bản thân tôi làm trong ngành Đường sắt hơn chục năm nay, mỗi lần qua cổng ga, vẫn bị phe vé mời chào nhiệt tình. Tôi cũng nghe phong thanh người ta nói chuyện nhân viên tay trong tay ngoài, song khi hỏi bằng chứng thì không có, như vậy cũng chẳng thể làm gì.

Xe dù ngang nhiên bắt khách trên đường.

Còn theo Phó trưởng ga Sài Gòn chia sẻ: Thống kê của Công an phường 9, quận 3 (TP Hồ Chí Minh) cho thấy, hiện họ đang giám sát khoảng 20 “cò” vé hay hoạt động quanh khu vực ga Sài Gòn. Hầu hết là người lang thang, không việc làm. Tuy nhiên, khi phát hiện hành vi câu kéo, “cò” vé thì chỉ có thể phạt hành chính từ 80-100.000đ. Chế tài xử phạt chưa nghiêm nên rất khó hạn chế tình trạng này mỗi dịp lễ tết. Nói là khó, song theo ông Nguyễn Công Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thì, chỉ cần nhà ga và Công an phường phối hợp, bố trí lực lượng chốt trực chặt chẽ thì nạn “cò” sẽ giảm.

“Cò” xe khách cũng hoạt động hết công suất

Có mặt tại cổng ra của Bến xe Mỹ Đình vào 8h sáng 26/12, chúng tôi thấy khu vực này luôn bị ùn ứ bởi lượng xe khách xuất bến dày đặc, nhưng xe nào cũng nấn ná bắt khách, không chịu đi. Nhiều nhất phải kể tới tuyến Thái Nguyên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hòa Bình… Xe nổ máy xình xịch, cửa mở toang, phụ xe ào xuống bắt khách. Có xe đứng tới 5–10 phút mà không chạy. “Cò” xe hoạt động hết công suất, lôi kéo, mời chào khách khiến khu vực này trở nên lộn xộn. Chỉ tới khi có lực lượng liên ngành gồm Thanh tra giao thông và Cảnh sát trật tự đến đây làm nhiệm vụ thì các nhà xe mới chịu cho xe rời bến. Khu vực cổng ra vì thế bớt ùn tắc hơn. Tuy nhiên, trật tự này chỉ giữ được một thời gian ngắn, khi lực lượng đi khỏi, đâu lại vào đấy.

Nhưng, có lẽ nhức nhối nhất ở khu vực này là tình trạng xe “dù” hoạt động ở phía cổng ra. Loại xe này nấn ná đón khách ngay tại cổng, cũng treo biển tuyến cố định khiến hành khách nhầm tưởng. Khi lên xe, khách bị nhà xe “quay” cho nhiều vòng, khi nào có đủ khách mới ra khỏi khu vực Hà Nội. Thậm chí, khách còn kêu trời vì bị “bắt chẹt” về giá.

"Cò" xe mời chào khách ở bến xe Mỹ Đình (Hà Nội).

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó ban Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, lực lượng liên ngành đã nhận được thông tin phản ánh của người dân về tình trạng xe “dù” hoạt động ở bến xe Mỹ Đình. Ngày 21/12, lực lượng liên ngành đã phát hiện 2 xe khách “dù” mang BKS 29B-00925 và 36B-00332 chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa đang đón khách ở khu vực cổng ra. “Ngoài xử phạt, chúng tôi đã tạm giữ 2 xe khách trên trong vòng 10 ngày”.

Ông Mạnh cũng cho biết thêm, từ nay tới Tết Nguyên đán, do lưu lượng khách đông, xe dù sẽ hoạt động ráo riết hơn. Do vậy, lực lượng liên ngành đã phải tăng cường phối hợp cùng Đội Thanh tra giao thông địa bàn kiểm tra, xử lý mạnh tình trạng này. Mọi hành vi vi phạm sẽ bị đình chỉ và xử lý ngiêm theo quy định.

Càng những ngày giáp Tết, lưu lượng phương tiện giao thông càng tăng. Trong 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, hoạt động của xe khách được dự đoán là khá phức tạp. Tình trạng dừng đỗ sai quy định để đón trả khách quanh khu vực Bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, đường Phạm Văn Đồng và quốc lộ 6 diễn ra khá nóng bỏng. Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông, từ ngày ra quân triển khai Kế hoạch phục vụ Tết, lực lượng liên ngành đã xử lý trên 100 trường hợp xe khách vi phạm các lỗi như: mở cửa khi xe đang chạy, thu tiền không trao vé cho khách, lắp thêm ghế phụ… Tuy nhiên, để đối phó với lực lượng chức năng, nhiều xe khách đã lắp thêm ghế hoặc “đẩy hàng” (lắp thêm một hàng ghế) để nhồi khách.

“Trong dịp Tết này, sẽ có nhiều nhà xe sử dụng thủ đoạn này để nhồi nhét khách. Chúng tôi đang tăng cường kiểm tra, vừa rồi có xử lý vài xe khách “đẩy hàng” và đã yêu cầu tháo dỡ” – ông Mạnh cho biết.

Nhu cầu đi lại của người dân trong các ngày nghỉ lễ là rất lớn. Để đảm bảo cho hành khách tránh bị “cò” lừa giá vé, tránh bị đi nhầm xe “cò quay” xe “dù”, thiết nghĩ các lực lượng chức năng của Hà Nội cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm.

Mới bán được 5.000/26.000 vé

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Ga Hà Nôi cho biết, ga Hà Nội hiện mới bán được hơn 5.000 vé trong tổng số 26.000 vé cho tuyến Hà Nội – Sài Gòn. Riêng các tuyến Hà Nội – Thanh Hóa, ga chỉ có các tuyến tàu ghế ngồi, mềm nhưng đa phần hành khách yêu cầu chất lượng cao như gường nằm trong khi số lượng vé bán cho loại hình này không nhiều. Các tàu SE1 (19h00), SE3 (23h00), SE5 (15h45), SE7 (6h15) hiện chỉ có vé bán phục vụ hành khách đi các ga từ Nha Trang đến Sài Gòn. Vé từ Hà Nội đi Vinh bằng các tàu chạy buổi tối hiện cũng đã hết và chỉ còn một số vé cho các tàu chạy ban ngày.

Để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong các ngày cao điểm trước Tết 2013, ngành Đường sắt tổ chức chạy thêm 2 chuyến tàu NA1 xuất phát tại Hà Nội ngày 7/2/2013 (27 Tết) và ngày 8/2/2013 (28 Tết) phục vụ hành khách đi các ga Nam Định, Thanh Hóa, Cầu Giát, Chợ Si, Vinh

PV

Thanh Huyền - Trần Hằng
.
.
.