Cước dịch vụ 3G, vẫn kiểu 'tiền nào dung lượng ấy'

Thứ Năm, 14/08/2014, 11:04
Để giữ khách hàng sau khi bị phản ứng tăng giá cước 3G ở mức quá cao, khoảng 20%, các nhà cung cấp mạng 3G đều duy trì những gói cước thuê bao tháng với nhiều mức giá. Nhưng do cả tốc độ băng thông và dung lượng truy cập tối đa đã không tăng, thậm chí còn bị nhà cung cấp chặn bớt, nên đến nay người sử dụng 3G vẫn chịu cảnh tiền nào dung lượng ấy.

Anh Hòa ở quận Gò Vấp cho biết, do chưa có kinh nghiệm sử dụng 3G nên mua sim 3G của mạng Mobifone về sử dụng theo cách không hạn chế dung lượng. Vào các trang mạng để coi phim, đọc tin tức hay tải hình, nhưng nạp card 200 - 300 ngàn chỉ sử dụng được một hai ngày đã hết sạch tiền trong tài khoản.

Để kiểm soát cước sử dụng, anh Hòa chuyển qua đăng ký dùng gói MIU thuê bao trả trước với giá 70 ngàn đồng/tháng. Sử dụng gói thuê bao này, dù nhà anh Hòa ở sát cạnh 2 trạm thu phát sóng điện thoại, thì kết nối 3G vẫn bị tình trạng bình thường hoặc kém, chỉ khi nào sóng 3G hiện chữ H+ mới có thể vào được các trang mạng có dung lượng lớn một chút. Chưa dừng lại ở đây, khi vừa trả trước tiền cước thuê bao 1 tháng và sử dụng được hơn tuần lễ, nhà mạng này tiếp tục nhắn tin nhắc nhở anh Hòa rằng gói thuê bao sắp hết hạn cùng lời chào mời: tham gia gói dung lượng tốc độ cao của MIU với dung lượng lên đến 3GB, giá cước trọn gói 120 ngàn đồng/tháng. Kèm theo đó, nhà mạng Mobifone cũng móc thêm tiền của khách hàng bằng cách bán thêm dung lượng đường truyền cho khách với giá cước 10 ngàn đồng cho 100MB hoặc 30 ngàn đồng cho 500MB.

Khách hàng chen chân chờ đăng ký sử dụng dịch vụ của một nhà mạng.

Cũng theo anh Hòa, trước đó anh đã mua sim trả trước của Mobifone và USB 3G để sử dụng máy tính truy cập mạng Internet hằng ngày. Khi thấy khá tốn tiền cước, nhưng muốn chuyển sang thuê bao gói MIU 70 ngàn đồng hoặc 120 ngàn đồng tháng cho rẻ, yêu cầu của anh Hòa cũng không được nhà mạng đáp ứng với lý do sim thuộc gói fast connect. Quá ngán ngẩm với nhà mạng này, anh Hòa tính chuyển sang sử dụng 3G của các nhà mạng khác, nhưng khi chia sẻ ý định này trên mạng xã hội, anh Hòa cũng nhận được khá nhiều lời ca thán với dịch vụ 3G của các nhà mạng còn lại. Giải thích về tình trạng người sử dụng gói cước thuê bao 3G hằng tháng thường bị chậm hoặc “đứng hình” khi truy cập vào các trang đòi hỏi phải truy xuất lượng dữ liệu lớn như xem phim, chơi game hoặc tải hình ảnh… anh Minh Huy, một kỹ sư công nghệ thông tin ở quận Tân Bình cho biết: Để kiểm soát dung lượng, các nhà mạng đều áp dụng khá chặt chẽ việc kiểm soát dung lượng truy cập.

Chẳng hạn, mạng Vinaphone có gói Max với cước thuê bao 70 ngàn đồng/tháng, khách hàng chỉ được truy cập Internet thoải mái với 600MB ở tốc độ tối đa, vượt quá dung lượng này, tốc độ truy cập hạ xuống còn 32Kbs. Các gói có mức cước thuê bao 100 ngàn đồng và 200 ngàn đồng/tháng cũng vậy, người sử dụng cũng bị nhà mạng khống chế ở dung lượng 1,2 GB, vượt quá dung lượng này, tốc độ truy cập cũng sẽ bị nhà mạng hạ xuống còn 32Kbs. Ngay cả với gói được cho là không giới hạn dung lượng có tên Dmax 200 của mạng Viettel với giá cước 200 ngàn đồng/tháng, tuy không tăng cước thuê bao tháng, nhưng dung lượng truy cập miễn phí cũng đã giảm từ 3,5GB xuống còn 3GB.

Phản biện ngay khi 3 nhà mạng được phép tăng giá cước của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (Vafi) đã cho thấy: 3 doanh nghiệp trên chỉ đầu tư vào hệ thống mạng 3G số tiền có 27 ngàn tỷ đồng, khoản đầu tư này chỉ tương ứng với khoản cổ tức 3 năm mà Nhà nước không thu, mà trong nhiều năm liền 3 doanh nghiệp trên không phải đóng một xu cổ tức nào cho ngân sách. Trong khi đó, các năm gần đây, doanh thu về mảng dịch vụ điện thoại di động trong nước của 3 nhà mạng trên đã ở mức 100 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 20 ngàn tỷ. Nếu 3 doanh nghiệp này là công ty niêm yết, lợi nhuận sẽ ở mức trên 30 ngàn tỷ đồng.

Cũng theo Vafi, một điều quan trọng là 3 nhà mạng trên không phải đóng thuế cổ tức như các loại hình doanh nghiệp khác. Nếu đóng cổ tức cho Nhà nước thì bình quân những năm qua, ngân sách thu khoảng 10 ngàn tỷ đồng mỗi năm; trường hợp các doanh nghiệp này niêm yết, tiền lãi cổ tức nhà nước phải thu là trên 15 ngàn tỷ đồng. Từ đây, Vafi đặt vấn đề: đã có nguồn lợi nhuận khổng lồ của Nhà nước để lại doanh nghiệp, cho phép DN tăng cước để làm gì? Với người dùng 3G, khi 3 nhà mạng chỉ đầu tư số vốn trên đã thu lợi khủng bởi xu hướng sử dụng điện thoại thông minh của người dân trong nước tiếp tục tăng mạnh. Nhưng với mức giá cước này, các nhà mạng đang hè nhau bắt chẹt người sử dụng

Đ.Thắng
.
.
.