"Cuộc chiến taxi": Coi chừng vi phạm luật

Thứ Ba, 10/10/2017, 09:42
Ba ngày qua, người đi đường chứng kiến hình ảnh không bình thường khi các xe của hãng taxi Vinasun dán ở đằng sau phương tiện những dòng chữ với nội dung “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” hoặc “Đề nghị dừng thí điểm Uber, Grab vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh”. Những dòng chữ chỉ đích danh đối thủ cạnh tranh với taxi truyền thống gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều…

Ngày 9-10, sau các phản ứng của dư luận, một số xe taxi của hãng Vinasun đã tháo 2 dòng chữ phản đối sau đuôi xe nhưng trên đường phố chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc taxi vẫn còn trưng những dòng chữ phản đối nêu trên.

Anh T. ngụ quận 1, một tài xế taxi hãng Vinasun cho hay, buổi sáng khi giao ca thì anh đã thấy dòng chữ này dán ở sau đuôi xe. Sau khi chở một số khách, được khách góp ý vì sự phản cảm của dòng biểu ngữ trên, anh đã phân trần là không phải chủ ý của tài xế mà khi nhận xe đã có dòng chữ trên. Sau buổi sáng chở khách, đến trưa vào quán ăn cơm, anh T. đã tháo dòng biểu ngữ trên ra khỏi xe mình.

“Đành rằng xe taxi công nghệ thời gian qua cạnh tranh gây khó khăn cho những người chạy taxi truyền thống nhưng việc dán biểu ngữ như thế này, một mặt gây phản cảm cho khách đi xe, mặt khác vô tình quảng cáo không công cho xe taxi công nghệ!”, anh T. phân trần.

Đa phần khi được hỏi tới các tài xế taxi hãng Vinasun đều cho biết nhận xe đã có dòng biểu ngữ trên, có tài xế nhận dòng biểu ngữ trên từ người quản lý và tự tay dán vào nhưng đều cho rằng đây không phải là việc làm tự phát của họ mà có sự truyền đạt từ trên xuống.

Trong khi đó, trao đổi với PV báo chí, ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương (taxi Vinasun) kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh cho rằng việc dán decal sau xe là hành động tự phát của các tài xế chứ phía công ty không có chủ trương. Ông Hỷ sẽ cho rà soát, kiểm tra lại việc dán decal như nói trên. 

Việc dán biểu ngữ chưa xác định được do tự phát hay do ý kiến truyền đạt của Công ty Cổ phần Ánh Dương nhưng đã tạo ra những dư luận không đồng tình với cách làm trên của hãng taxi Vinasun và cho rằng đây là phản ứng giống kiểu cạnh tranh không lành mạnh. Trong các diễn đàn trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng cách làm trên nếu là chủ ý của hãng taxi Vinasun thì đây là kiểu “gậy ông đập lưng ông” bởi đã vô tình hạ thấp uy tín của chính doanh nghiệp.

Hình ảnh phản cảm trên xe chưa tháo dỡ.

Có ý kiến cho rằng, nếu Uber, Grab hoạt động sai, trốn thuế thì đã có các cơ quan thẩm quyền xử lý theo pháp luật không cần phải đến phản ứng của doanh nghiệp, còn nếu thấy taxi công nghệ sai phạm thì có thể gửi đơn kiện cơ quan chức năng giải quyết.

“Khách hàng là người hiểu rõ nhất tiện ích khi lưu thông bằng các phương tiện công cộng, ưu tiên lựa chọn của khách hàng là nhanh, rẻ... Nếu như các hãng taxi truyền thống không thay đổi kịp với xu hướng phát triển công nghệ thì khó cạnh tranh” - anh Tạ Đình Tuyện, nhà quận 6 cho hay.

Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến về vấn đề này và xem xét cách xử lý. Nhìn vào cách phản ứng trên của Hãng taxi Vinasun cho thấy, dù là chủ trương của công ty hay sự tự phát của tài xế taxi thì phản ứng trên là chưa đúng quy định, vi phạm vào luật kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh):

“Tài xế của Vinasun dán các dòng chữ trên xe taxi có dấu hiệu phạm luật”

Các dòng chữ: “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” hay “yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam” mà các tài xế của Vinasun dán trên xe taxi có dấu hiệu của hành vi được xem là “gièm pha doanh nghiệp khác”, bị cấm theo Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004.

Điều 43 Luật Cạnh tranh 2004 quy định: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”. Vì vậy, Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh.

Theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 06/2006 của Chính phủ về cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương có nhiệm vụ và quyền hạn thụ lý, tổ chức điều tra xử lý các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh để Hội đồng cạnh tranh xử lý theo quy định của pháp luật. Về nguyên tắc tố tụng cạnh tranh thì việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004 và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

A.Huy (ghi)


Công ty Uber B.V có thể bị cưỡng chế thu thuế

Liên quan đến việc truy thu 66,68 tỉ đồng với Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan), lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định, trong vòng 10 ngày kể từ ngày ra quyết định truy thu mà Uber B.V không nộp thuế, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế. Tuy nhiên do đại diện Uber B.V dự kiến làm việc với Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính trong những ngày tới nên Cục Thuế TP Hồ Chí Minh sẽ chờ kết quả cuộc họp.

Dù vậy, theo vị lãnh đạo này, trong trường hợp kết quả cuộc họp không thay đổi mà Uber B.V vẫn không nộp thuế, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ sử dụng biện pháp cưỡng chế. Cụ thể, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để biết Uber B.V chuyển tiền thu được từ việc chia sẻ doanh thu với tài xế tại Việt Nam ra nước ngoài bằng cách gì, thông qua ngân hàng nào để có biện pháp cưỡng chế tương ứng.

Điều cần lưu ý là theo quy định của Luật Quản lý thuế, khi có quyết định truy thu sau thanh tra, doanh nghiệp phải nộp trong thời gian quy định. Nếu không đồng ý, doanh nghiệp có thể khiếu nại và trong trường hợp kết luận khiếu nại của doanh nghiệp là đúng, cơ quan thuế sẽ hoàn trả cả gốc lẫn lãi khoản tiền mà doanh nghiệp đã nộp.

Trước đó, ngày 23-9, trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, cho biết Cục Thuế đã ra quyết định xử phạt hành chính và truy thu số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Uber B.V. 

Quyết định này được đưa ra sau khi Cục Thuế TP Hồ Chí Minh tiến hành thanh tra Uber B.V. Thời kỳ thanh tra được xác định kể từ lúc Uber B.V bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam đến tháng 6-2017.

Sau đó, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả với Uber B.V; cụ thể phạt tiền về hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp gần 10,3 tỷ đồng, đồng thời truy thu thuế với số tiền gần 51,48 tỷ đồng.

Trong số thuế bị truy thu, có hơn 26,3 tỷ đồng là thuế VAT khấu trừ nộp thay, hơn 14,6 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay và gần 10,5 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài.

Ngoài ra, theo quyết định của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Uber B.V phải nộp thêm số tiền chậm nộp tính đến ngày 31-8-2017 hơn 4,9 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng số tiền truy thu, phạt và tiền chậm nộp Uber B.V phải đóng hơn 66,68 tỷ đồng. Lý do vì công ty này đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính kê khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng nêu rõ Uber B.V phải có trách nhiệm tự tính bổ sung tiền chậm nộp từ ngày 1-9 đến thời điểm thực nộp số tiền thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước…

Tuy nhiên, đến nay Uber B.V chưa nộp khoản tiền này vì cho rằng không phải nộp khoản thuế thu nhập doanh nghiệp với nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam theo Hiệp định Chống đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hà Lan.

Phú Lữ

Anh Thư
.
.
.