Cuộc chiến giữa các siêu thị

Chủ Nhật, 29/05/2005, 06:52
Cách đây mấy năm, một doanh nghiệp tư nhân đã thu mua lại toàn bộ số bỉm vệ sinh trẻ em do chính mình cung cấp cho Metro - một trung tâm bán buôn lớn nhất Hà Nội, khi biết trung tâm này bán sản phẩm đó với giá thấp hơn cả giá mua của doanh nghiệp.

Theo thống kê của ngành thương mại, tính đến tháng 8/2004 có 140 siêu thị, 30 trung tâm thương mại và 600 cửa hàng bán hàng theo phương thức tự chọn tại 25 tỉnh trên cả nước. Ngoài ra, chưa kể 20 siêu thị cùng 35 trung tâm thương mại khác đang triển khai xây dựng.

Theo quy định của Bộ Thương mại, một tổ hợp bao gồm các loại hình, cửa hàng kinh doanh có từ 20 nghìn mặt hàng trở lên và được kinh doanh, bảo quản trên diện tích 5.000m2 trở lên - gồm cả kho lạnh, kho bảo quản, nhà để xe... và đặc biệt có kiến trúc vững chắc mang tính thẩm mỹ cao... thì mới gọi là siêu thị hạng 1.

Dựa trên tiêu chuẩn đó, ông Nguyễn Văn Tạo, Phó tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Intimex thuộc Bộ Thương mại đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, chưa có một trung tâm thương mại, siêu thị tại Thủ đô đủ tầm để được gọi đúng như tên gọi của nó.

Nếu là trung tâm thương mại may ra chỉ đủ tiêu chuẩn để gọi là siêu thị, ngay cả như Tràng Tiền Plaza... Còn siêu thị mà người dân tưởng như choáng ngợp nhất Hà Nội như Fivimart, Intimex,... cũng chỉ đạt siêu thị hạng 2, thậm chí chưa được như siêu thị Sao Hà Nội bởi chưa đủ 10.000 mặt hàng và diện tích kinh doanh, kho, bến bãi... chưa được 2.000m2 theo đúng tiêu chuẩn.

“Cuộc chiến” giá cả

Nếu việc trưng bày hàng hóa đối với các siêu thị hoặc trung tâm thương mại nước ngoài rất được coi trọng về việc “bắt mắt” và tạo thành khu vực riêng biệt đối với từng loại hàng hóa để khách hàng có thể dễ dàng và thoải mái trong việc lựa chọn thì các siêu thị trong nước chưa chú trọng điều này.

Fivimart nằm trên đường Trấn Vũ là một ví dụ. Ngay vị trí đường ra, lối vào ở đây đã tạo ra cho khách hàng cảm giác ức chế khi bước vào siêu thị. Lối đi chật hẹp, không đủ để hai người cùng song song đi chọn hàng. Hàng hóa trong siêu thị chưa đến mức “đến siêu thị là có tất cả” như người ta vẫn nói về siêu thị hoặc không mang đặc tính riêng. Cảm giác như nó chỉ hơn cái chợ truyền thống ở chỗ được quây bằng cửa kính và lắp thêm máy điều hòa.

Khách hàng liệu có bị hấp dẫn với cách trưng bày thế này?

Không chỉ Fivimart mà phần lớn các siêu thị khác ở Hà Nội cũng rơi vào tình trạng như vậy. Sao Hà Nội ở Trung Tự còn tồi tệ hơn. Đến đây, chẳng khác gì như đi chợ chiều: vắng vẻ và buồn đến mức ngay cả nhân viên bán hàng cũng như những pho tượng di động.

Theo ông Nguyễn Văn Tạo thì các nhân viên bán hàng ở siêu thị không phải ai cũng được đào tạo để trở thành chuyên nghiệp trước khi vào làm công việc này. Hầu như họ chỉ tốt nghiệp phổ thông rồi được tuyển vào bán hàng.

Trong quan niệm của một số nhà kinh doanh siêu thị trong nước và của phần lớn nhân viên bán hàng, vai trò của họ chẳng khác gì như người bảo vệ, nghĩa là sự có mặt của họ trong siêu thị chỉ là để ngăn ngừa chuyện “chôm chỉa”. Còn việc giới thiệu hàng hóa, hướng dẫn khách hàng... thì siêu thị tự chọn mà, việc gì phải làm những chuyện ấy!

Cùng với những bất cập về trưng bày, cung cách phục vụ... nơi bảo quản hàng hóa như kho tàng, kho lạnh, bến bãi để xe... cũng là “vấn đề”  đối với các siêu thị trong nước. Ông Tạo cho biết, mặc dù quy định của Bộ Thương mại, điều kiện cơ bản và gần như phải có đầu tiên đối với siêu thị là có kho bảo quản hàng hóa, trong đó có kho lạnh thì không phải siêu thị nào ở Hà Nội cũng có. Nguyên nhân xuất phát từ hạ tầng cơ sở nghèo nàn, tiềm lực kinh tế yếu, nhưng quan trọng hơn cả là cách tổ chức, kinh doanh của các doanh nghiệp siêu thị trong nước chưa cao, chưa chuyên nghiệp.

Theo báo cáo của ngành thương mại, hàng hóa hiện nay ở các siêu thị trong nước phần lớn đều thông qua trung gian hoặc các đại lý cấp 2, 3 mà chưa thu mua được trực tiếp từ các nhà sản xuất. Điều này đã khiến cho giá thành tại các siêu thị trong nước bị đẩy lên rất nhiều so với các siêu thị nước ngoài luôn lấy các nhà sản xuất, xuất khẩu làm cơ sở cung cấp chính nguồn hàng cho mình.

Ví dụ sản phẩm sữa XO 3 của Hàn Quốc tại siêu thị Big C của Tập đoàn Bourbon (Pháp) bán với giá 305.600 đồng thì tại Hà Nội Star bán 315.700 đồng; sữa Similac Advance loại 900 gr dành cho nhũ nhi Big C bán 205.500 đồng trong khi Hà Nội Star bán 217.000 đồng. Dầu ăn Tường An, Metro bán rẻ hơn so với các siêu thị trong nước khác khoảng 15 nghìn đồng... Bơ vỉ Anchor của New Zealand, ở Fivimart đề giá chưa đến 14 nghìn đồng nhưng ở một số siêu thị khác bán hơn 14 nghìn đồng.

Cá lớn nuốt cá bé?

Trước những điều kiện cơ bản trong kinh doanh siêu thị nội địa còn xộc xệch, thiếu thốn và lúng túng như vừa kể thì thực tế quy luật gần như tất yếu “cá lớn nuốt cá bé” đã xảy ra. Và chuyện siêu thị lớn mua hàng về, bán giá thấp để "bóp chết" siêu thị con đang là sự thật hiển nhiên.

Sắp tới những siêu thị sẽ đi vào hoạt động tại Việt Nam như Parkson của Malaysia, Diary Farm của Hongkong và sau đó là những tập đoàn tên tuổi của Mỹ, Singapore, châu Âu đang chờ đợi chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam ngay sau khi giấy “thông hành” gia nhập WTO của chúng ta có hiệu lực, điều đó đặt ra cho các siêu thị bé trước nguy cơ bị "cá lớn" nuốt.

Theo ông Nguyễn Văn Sáng, Vụ phó Vụ Chính sách thị trường trong nước thuộc Bộ Thương mại phát biểu với báo chí đại ý, do thời gian chuẩn bị không còn nhiều nên tiến trình cải tổ này cần thực hiện nhanh, hiệu quả nếu không sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước sẽ vô cùng khó khăn

Tú Anh
.
.
.