Cụm công nghiệp và vấn nạn ô nhiễm môi trường

Thứ Ba, 18/08/2015, 08:40
Cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên- Huế liên tục kiểm tra, xử phạt về vấn đề gây ô nhiễm môi trường, nhưng hiện nhiều nhà máy đóng tại Cụm công nghiệp làng nghề Thủy Phương (thị xã Hương Thủy) vẫn cố tình xả khí thải, nước thải ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Vào tháng 3/2003, Công ty TNHH Hà Xuyên được Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp giấy chứng nhận hoạt động với ngành nghề sản xuất và tái chế giấy tại Cụm công nghiệp làng nghề Thủy Phương (tổ 12, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy). Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động sản xuất, đơn vị này đã nhiều lần xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống trên địa bàn các phường Thủy Phương và Thủy Châu. 

Tương tự, nhiều năm qua, hoạt động sản xuất và tái chế giấy của Công ty TNHH Như Ý ở Cụm công nghiệp làng nghề Thủy Phương đã gây ô nhiễm môi trường nặng nề và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn. 

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cử đoàn kiểm tra và có quyết định xử phạt Công ty Như Ý 120,4 triệu đồng do vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo ông Phan Bồng, Phó trưởng Phòng TN-MT thị xã Hương Thủy: Tại Cụm công nghiệp làng nghề Thủy Phương còn có DNTN Thùy Dương và DNTN Thế Phương chuyên sản xuất, tái chế nhựa cũng được liệt kê vào “sổ đen” vì gây ô nhiễm môi trường. Vào tháng 1/2015, 2 công ty này bị xử phạt với tổng số tiền trên 150 triệu đồng, do vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường nhưng đến nay vẫn chưa có động thái khắc phục…

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế còn có một số nhà máy khác nằm trong danh sách di dời khẩn cấp vì gây ô nhiễm đến khu dân cư; nhưng chính quyền địa phương lại gặp khó khăn trong việc tìm phương án.

Về vấn đề này, ông Phan Thiên Định, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có chủ trương di dời các nhà máy kể trên về Cụm công nghiệp làng nghề Thủy Phương và đang lập phương án di dời. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vướng mắc là kinh phí di dời quá lớn và việc chuyển đổi nghề nghiệp cho hàng trăm lao động khi các công ty chuyển đổi sang ngành nghề sản xuất mới.

“Đây thực sự là bài toán khó, gây khó khăn lớn cho việc di dời các nhà máy gây ô nhiễm...”, ông Định nhận định.

Anh Khoa
.
.
.