Cục Thú y lo chất lượng thịt lợn nhập lậu

Thứ Ba, 05/05/2009, 11:11
Phó Cục trưởng Cục Thú y tỏ ra lo ngại về tình trạng thịt lợn nhập lậu. Ông nói: Nếu có báo động ở mức cao như những nước láng giềng của ta có dịch, chúng ta phải tập trung bằng mọi giá ngăn chặn việc nhập lậu thịt lợn.

Trước thông tin 200 con lợn ở một trang trại Canada đã nhiễm virus cúm A H1N1 liên quan đến một nông dân vừa từ Mexico về, mối lo ngại về thịt lợn có khả năng gây bệnh lại trở thành tâm điểm, khi nguồn thịt lợn nhập lậu qua đường tiểu ngạch vẫn đang được tuồn vào trong nước, mà không qua bất kỳ khâu kiểm dịch nào. Chiều 4/5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Năm, Phó Cục trưởng Cục Thú y xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, đã có thông tin chính thức từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận lợn bị lây cúm A/H1N1 từ người chưa? Và Việt Nam sẽ có các biện pháp gì nếu chuyện đó xảy ra?

Ông Hoàng Văn Năm: Các thông tin đều chỉ dừng lại ở mức độ nghi ngờ. Đến thời điểm này, về phía WHO, chúng tôi chưa nhận được thông tin gì. Tuy nhiên, Cục Thú y cũng đã có hướng dẫn tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu thịt lợn chưa qua chế biến từ nước ngoài và tăng cường giám sát đàn lợn đang chăn nuôi tại Việt Nam, nếu có triệu chứng khác thường nghi cúm A/H1N1 như mô tả, phải báo cáo và lấy mẫu xét nghiệm. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo rất gắt gao về vấn đề này.

Phóng viên: Để chủ động phòng tránh dịch bệnh có thể lây lan qua thực phẩm nhập khẩu, trong khi chưa có những thông tin chính thức, chúng ta có nên cấm nhập khẩu thịt lợn trong thời điểm này?

Ông Hoàng Văn Năm: Quan điểm của Bộ NN&PTNT là không nên cấm nhập như một số nước, khi chúng ta chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định bệnh cúm A/H1N1 lây từ lợn sang người và ngược lại. Tuy nhiên, nếu đến một mức độ nguy hiểm nào đó, chúng ta cũng phải cấm, song cấm cũng phải chọn lọc. Khi các nhà khoa học, Tổ chức Thú y thế giới thông báo chính thức về tính chất nguy hiểm lây lan của dịch bệnh về mặt dịch tễ, ở lợn đã lây lan ra nhiều, chúng ta sẽ thực hiện cấm nhập khẩu thịt lợn từ các nước có trường hợp lây nhiễm. Còn khi những nước trong khu vực gần ta bị dịch trên lợn, lúc đó sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn.

Lợn nhập lậu không qua kiểm dịch. Ảnh: Duy Khánh.

Tuy nhiên, phát biểu như vậy không có nghĩa chúng ta bỏ trống mặt trận này, mà phải kiểm soát chặt chẽ. Song, cái mà chúng tôi lo ngại nhất là việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch biên giới, các nước gần kề với ta. Nếu nhập chính ngạch có vấn đề gì chúng tôi sẽ phát hiện ra ngay, sợ nhất là tiểu ngạch, Bộ NN&PTNT và Cục Thú y cho rằng, cần tăng cường kiểm soát biên giới, những khu vực tiểu ngạch.

Phóng viên: Với số lượng thịt nhập khẩu qua đường chính ngạch, Cục Thú y có thực hiện lấy mẫu xét nghiệm về dịch tễ không?

Ông Hoàng Văn Năm: Về quy trình, khi doanh nghiệp khai báo chúng tôi có lấy mẫu để kiểm tra một số chỉ tiêu theo quy định. Về nguyên tắc, do liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm nên chỉ được nhập khẩu thịt từ vùng an toàn, không có tất cả các bệnh trạng như lở mồm long móng, dịch tả… và do các công ty lớn nhập về với đầy đủ các chứng nhận. Nếu kiểm tra phát hiện thịt mắc dịch bệnh thì sẽ yêu cầu trả lại hoặc buộc tiêu hủy.

Phóng viên: Việt Nam đã từng ghi nhận có những căn bệnh nguy hiểm nào có thể lây từ lợn sang người chưa?

Ông Hoàng Văn Năm: Có! Có một số căn bệnh nguy hiểm từ lợn có thể lây sang người được ghi nhận ở Việt Nam, như bệnh gạo lợn, bệnh xoắn khuẩn. Những bệnh này đã từng gây các trường hợp tử vong người ở Việt Nam.

Phóng viên: Vậy, mối lo ngại nhất chính là thịt lợn nhập lậu qua đường tiểu ngạch. Theo đánh giá của ông, chúng ta có đủ khả năng kiểm soát con đường nhập khẩu này?

Ông Hoàng Văn Năm: Đây là vấn đề rất lớn chúng ta chưa giải quyết được. Thời gian gần đây, việc kiểm soát thực phẩm nhập lậu qua biên giới đã có chuyển biến nhưng chưa nhiều. Nếu có báo động ở mức cao như những nước láng giềng của ta có dịch, chúng ta phải tập trung bằng mọi giá ngăn chặn việc nhập lậu thịt lợn hay các gia súc, gia cầm khác.

Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm lợn, hay những căn bệnh khác tốt nhất là nên ăn chín uống sôi, tránh ăn tiết canh lợn và các loại thịt chưa nấu chín khác. Trường hợp phát hiện đàn lợn có dịch cúm lợn, thì nên tiêu hủy chứ không nên giữ lại để điều trị.

Trung tâm Khống chế dịch bệnh Hoa Kỳ vừa thông báo đã gửi các bộ kít chẩn đoán bệnh H1N1 cho Cục Thú y và dự kiến các bộ kit này trong 2 ngày nữa sẽ về tới Việt Nam để phục vụ cho việc chẩn đoán và theo dõi dịch bệnh.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.