Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai): Những bất cập trong việc quản lý nhập khẩu gỗ

Thứ Bảy, 26/09/2009, 16:52
Từ năm 2008 đến nay, hàng chục ngàn mét khối gỗ quý được nhập từ Campuchia qua biên giới cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai) theo cơ chế cho phép của ngành chức năng. Việc nhập gỗ kiểu này đã tạo cái lợi cho nhiều doanh nghiệp nhưng ngược lại gây nhiều bức xúc cho các cơ quan quản lý, bởi rất khó kiểm soát gỗ lậu được hợp thức hóa…

Ngày 24/9, tôi có mặt tại khu vực biên giới cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai và chứng kiến ngổn ngang nhiều đống gỗ được kéo về từ nước bạn Campuchia.

Một người dân ở địa phương kể: "Mấy hôm nay trời mưa nên thưa gỗ về, những tháng trước thì gỗ tuồn về tràn cả khu vực, tấp nập xe cộ chuyên chở cả ngày lẫn đêm".

Theo báo cáo của phòng chức năng Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum, trong năm 2008 có 5 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Cao su Đắk Nông, DNTN Đông Dương, Công ty TNHH Tuấn Lộc, Công ty TNHH Đăng Khoa và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất An Phú nhập khẩu gỗ từ Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai) số lượng 1.039m3. Năm 2009 có tổng cộng 8 doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Campuchia qua cửa khẩu Lệ Thanh tính đến nay đã kê khai với khối lượng 3.559m3.

Trong đó, ngoài các doanh nghiệp có tên trong năm 2008, còn có thêm 4 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Đức Cường, Công ty cổ phần Minh Sáng, Công ty TNHH Đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Xuất khẩu Khang Sơn.

Tuy nhiên, ngày 24/9, phía Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai) cung cấp danh sách doanh nghiệp nhập khẩu gỗ từ Campuchia trong thời gian ngày 1/1/2009 đến 18/9/2009 có tổng cộng 16 doanh nghiệp. Điều này cho thấy tính bất nhất trong thông tin giữa Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum với Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh.

Gỗ nhập khẩu từ Campuchia được tập kết ở bìa rừng Đức Cơ, Gia Lai (Ảnh: N.Như).

Ông Phạm Tấn Hồng - Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh cho biết, quy trình nhập gỗ của các doanh nghiệp từ Campuchia đều phải thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, do việc thu mua nguồn gỗ của các doanh nghiệp nhỏ lẻ vận chuyển từ Campuchia sang nên phía Hải quan đã tạo điều kiện doanh nghiệp được đưa gỗ về đổ ở các bãi khu vực biên giới trong thời gian 30 ngày sẽ hoàn thành thủ tục nhập và vận chuyển gỗ đi nơi khác.

Lý giải vì sao không buộc doanh nghiệp đổ gỗ ở bãi tập trung nơi dễ nhìn, dễ quản lý mà cho phép đổ gỗ ở bìa rừng? Phía lãnh đạo Hải quan cho rằng, do cửa khẩu Lệ Thanh chưa có bãi tập kết hàng hóa nên doanh nghiệp xin thuận lợi ở đâu sẽ tập kết hàng ở đó.

Theo ngành Kiểm lâm và Công an ở địa phương, gỗ được nhập theo giấy phép nhưng khi vận chuyển qua biên giới mới mở tờ khai, kiểm tra là bất hợp lý và dễ gây ra hiện tượng trà trộn gỗ lậu trong nước để hợp thức hóa. Đáng nói nữa là việc các bãi gỗ của doanh nghiệp tập kết về nước quá nhiều nơi thậm chí đổ ở trong bìa rừng và xa tầm kiểm soát nên các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được.

Để khắc phục tình trạng này, phía ngành Kiểm lâm Gia Lai và chính quyền địa phương đề ra giải pháp quy hoạch bãi gỗ tập trung, thuận tiện cho việc kiểm soát nhằm quản lý chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng thông đồng hợp lý hóa gỗ lậu trong nước vào gỗ nhập khẩu...

Ngọc Như
.
.
.