Hậu vụ án “Chạy quota hàng dệt may:

Công ty mất hạn ngạch, công nhân mất việc làm

Thứ Ba, 15/03/2005, 10:06
Ngay sau khi vụ án "chạy" quota, Công ty TNHH 1-5 bị tạm ngừng cấp hạn ngạch dệt may sang Mỹ do liên quan đến Tăng Phát Bảo. Do không có việc nhiều công nhân của Công ty đã đình công.

Theo thông tin từ cơ quan cấp phép thì, Công ty TNHH 1-5 được cấp phép hoạt động từ đầu năm 2003 với số vốn pháp định là 1 triệu USD (Tăng Phát Bảo tham gia góp vốn bằng giá trị nhà xưởng và một số máy móc trị giá 250.000 USD trong tổng số 1 triệu USD vốn pháp định nói trên).

Do chưa được cấp hạn ngạch, từ cuối năm 2004, công ty ở trong tình trạng thiếu việc làm. Theo biên bản kiểm tra của Ban Quản lý các KCN & KCX ngày 24/2 vừa qua, công ty có hơn 1.000 máy móc, thiết bị, nhưng chỉ có chưa đầy 1/3 số máy hoạt động tương đương với gần trăm lao động.

Từ năm 2004 đến nay, người lao động tại đây tự ý nghỉ việc  làm. Công ty dự định làm hàng xuất sang Đài Loan, là thị trường phi hạn ngạch nhưng đơn giá thấp. Lợi nhuận không đủ chi trả thỏa đáng cho công nhân.

Mới đây nhất, trong hai ngày 8 và 9/3, hơn 70 lao động của Công ty TNHH 1-5 lại một lần nữa tự ý ngừng việc.

Theo phản ánh của công nhân, họ không liên quan gì đến việc mua bán,  "chạy" quota của ông Tăng Phát Bảo. Một người trong số họ cho biết: "Chúng tôi ngừng việc là do đồng lương định mức sản phẩm vừa thấp đến mức phi lý, vừa bị liên tục điều chỉnh theo hướng thấp đến mức không thể đủ sống để làm việc". Được biết, lần "điều chỉnh" gần đây nhất, công ty áp dụng đơn giá 1.600 đồng/sản phẩm cho những công nhân may trong dây chuyền, còn lao động phụ trợ như KCS, cắt chỉ… được hưởng lương theo thời gian.

Trong dây chuyền sản xuất có 30 lao động thì 23 lao động may hưởng lương theo sản phẩm, 7 lao động phụ trợ hưởng lương theo thời gian. Theo cách tính lương mới áp dụng từ ngày 7/3, đơn giá sản phẩm là 1.800 đồng/sản phẩm, nhưng cả 30 lao động trong dây chuyền đều hưởng lương theo đơn giá này. Người lao động thấy rằng mức lương mới là loại lương cào bằng, nhưng lại thấp hơn lương cũ nên không chấp nhận.

Ngày 8/3, một số lao động có đơn đến Ban quản lý các khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN & KCX) kiến nghị, ngoài vấn đề tiền lương, người lao động kiến nghị một số vấn đề khác như lao động vào làm việc tại công ty sau 1 năm mới được ký hợp đồng lao động; công ty đòi lại thẻ bảo hiểm y tế đã cấp; người lao động không được thanh toán lương ngừng việc (không do lỗi của người lao động - bằng 70% lương cơ bản); mức lương cơ bản của người lao động thấp…

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Ban quản lý các KCN & KCX  cử cán bộ đến làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và người lao động. Tại đây, đại diện Công ty đã giải thích rằng, do điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn. Tuy nhiên, Công ty vẫn đưa ra lập luận: Theo cách trả lương mới, người lao động vẫn được hưởng lương cao hơn mức lương khởi điểm do Nhà nước quy định (290.000 đồng/tháng/người).

Đại diện Ban quản lý các KCN & KCX đã yêu cầu công ty thực hiện đúng nguyên tắc về các chế độ, quyền lợi của người lao động phải được bảo đảm. Trước mắt, đề nghị công ty thực hiện thanh toán đủ lương ngừng việc cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Đại diện công ty hứa sẽ xem xét và báo cáo lãnh đạo công ty (ở nước ngoài) về vấn đề này

Lê Minh Triết
.
.
.