Công ty Letco để môi giới núp bóng, làm khổ người lao động

Thứ Ba, 18/01/2005, 07:37
Công ty Hợp tác đào tạo và Xuất khẩu lao động (XKLĐ) LetCo tực thuộc trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội là đơn vị có chức năng đưa người lao động ra nước ngoài. Tuy nhiên Công ty đã phó thác và uỷ quyền cho các công ty môi giới nước ngoài để hưởng lợi. Hậu quả là nhiều người lao động khóc dở mếu dở nơi xứ người.

Trong lá đơn khiếu nại gửi cơ quan báo chí, chị Đặng Thị Mai, ở Cơ Mộc - Cầu Bươu - Thanh Trì - Hà Nội, cho biết tháng 7/2004, chị tìm đến Cơ sở đào tạo và giáo dục định hướng số 2 của Công ty Hợp tác đào tạo và Xuất khẩu lao động (XKLĐ) LetCo, ở phố Quan Nhân - Hà Nội, xin học đi giúp việc gia đình tại Đài Loan. Ngày 21/10/2004, chị Mai được Công ty Môi giới Đông Đỉnh cho xuất cảnh.

Theo hợp đồng, chị Mai sẽ chăm sóc ông già 78 tuổi bị liệt. Nhưng khi sang nhận việc thì nhà chủ giao cho chị chăm sóc một ông già vẫn... đi lại bình thường. Ông già này thường xuyên chửi bới, đánh đập và còn xúc phạm thân thể chị. Chị đã 3 lần gọi điện đến Công ty Môi giới Đông Đỉnh nhưng không được giúp đỡ, can thiệp.

Ngày 8/12/2004, nhà chủ đã đánh và đuổi chị Mai ra khỏi nhà. Sáng 9/12/2004, đại diện Công ty Đông Đỉnh mới đến đưa chị Mai về công ty ở và ngày 14/12/2004, chị Mai bị trả về Việt Nam mà không rõ lý do. Phía Công ty LetCo cũng từ chối mọi trách nhiệm đối với chị. Chị Mai cho biết, để có tiền đi và đặt cọc chống trốn tại công ty, gia đình chị phải cầm cố nhà cửa và vay nợ ngân hàng tới hơn 200 triệu đồng, vậy mà vẫn bị công ty "đem con bỏ chợ".

Cho môi giới nước ngoài núp bóng để hưởng lợi

Ngày 10/1/2005, chúng tôi đã làm việc với ông Bùi Kim Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh Công ty LetCo thuộc Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội. Ông Sơn cho biết, qua kiểm tra hồ sơ xuất cảnh của công ty không có trường hợp nào tên Đặng Thị Mai và cho rằng chị Mai đã vu khống doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt vấn đề Công ty Môi giới Đông Đỉnh có phải là đối tác của LetCo không và đề nghị ông Sơn giải thích rõ mối quan hệ của Cơ sở đào tạo số  2 với Công ty Đông Đỉnh thì ông Sơn cho biết, Công ty Đông Đỉnh là đối tác của LetCo và Đông Đỉnh còn làm với nhiều công ty khác. LetCo sẽ xác định lại quá trình nhập học và chịu trách nhiệm về quá trình đào tạo chị Mai, còn lại là trách nhiệm của Đông Đỉnh.

Để trả lời câu hỏi Cơ sở số 2 thực chất của Công ty LetCo hay của Công ty Đông Đỉnh, chiều 11/1/2005, chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Đức Hoàn - Phó Giám đốc Công ty LetCo. Ông Hoàn thừa nhận do yêu cầu của phía đối tác nên công ty đã thuê Cơ sở đào tạo số 2 cho đối tác là Công ty Đông Đỉnh và Công ty Phụng Lợi, để người của hai công ty này đến ở và hoạt động tuyển dụng lao động trực tiếp tại đây.

Hai công ty này trực tiếp đào tạo, thu tiền và làm hồ sơ xuất cảnh cho lao động, sau đó chuyển cho LetCo làm thủ tục xuất cảnh. Hai bên thoả thuận "ăn chia" là 40/60, Đông Đỉnh hưởng 60% phí quản lý (8% lương của người lao động), LetCo hưởng 40%. Với trường hợp chị Mai nhập học ở Cơ sở số 2 sau đó được Công ty Đông Đỉnh đưa đi theo hợp đồng của Công ty XNK Quảng Ninh (Quinimex).

Ông Hoàn còn cho biết do mối quan hệ của Quinimex tốt hơn nên Đông Đỉnh đưa nhiều lao động đi bằng giấy phép của Quinimex hơn là qua LetCo. Trong hồ sơ của lao động thường có giấy cam kết nhận nợ với số tiền là 79.000 Đài Tệ. Thực chất đây là phí môi giới lao động phải trả cho Đông Đỉnh và số tiền này sẽ được trừ vào lương hàng tháng của người lao động. Chúng tôi còn được biết, tại Cơ sở số 2 của Công ty LetCo có 2 công ty môi giới là Phụng Lợi và Đông Đỉnh, nhưng thực chất hai công ty này là của một ông chủ tên Lý. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc để công ty môi giới Đài Loan núp bóng, với thị trường Malaysia, Công ty LetCo cũng "phó thác" cho môi giới Malaysia là Công ty Liên Việt. Công ty này lập một văn phòng tại Hà Nội và theo ông Sơn thì văn phòng này là nơi Liên Việt chuyển tài liệu, giấy tờ của họ sang cùng với bên Việt Nam để xử lý các vấn đề. Sau khi xin giấy giới thiệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, LetCo để người của Công ty Liên Việt đi tuyển lao động trực tiếp theo giới thiệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Chưa hết, với thị trường Hàn Quốc, theo quy định của luật cấp phép mới, người lao động chỉ phải chi phí có 699 USD vì đây là chương trình phi lợi nhuận được Trung tâm Việc làm ngoài nước của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) thực hiện không thông qua các công ty xuất khẩu lao động. Năm 2004, Bộ LĐ-TB&XH giao cho Bộ Công nghiệp 400 chỉ tiêu. Bộ Công nghiệp giao cho Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội 390 chỉ tiêu, đối tượng đưa đi là sinh viên của trường theo luật cấp phép mới. Tuy nhiên, việc Trường Cao đẳng Công nghiệp giao cho doanh nghiệp trực thuộc là Công ty LetCo thực hiện chỉ tiêu này là trái với quy định. Hơn nữa, LetCo còn thu những khoản tiền ngoài quy định như 600.000đ tiền khám sức khoẻ, 210.000đ tiền chụp ảnh, 280.000đ mua đồng phục...

Được biết, Trường Cao đẳng Công nghiệp là nơi có cơ sở vật chất rất hiện đại và thường xuyên nhận hợp tác đào tạo cho nhiều công ty xuất khẩu lao động. Nhưng Công ty LetCo ngoài trụ sở tại trường còn thuê 4 cơ sở đào tạo khác, trong đó có Cơ sở đào tạo số 2 cho môi giới Đài Loan núp bóng như nói ở trên.

Việc hình thành những cơ sở đào tạo kiểu này hoàn toàn không bình thường và chính bản thân cơ quan chủ quản là Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội hầu như không kiểm soát nổi hoạt động. Cuối cùng lãnh hậu quả là người lao động mà không biết kêu ai

Nguyễn Thiêm
.
.
.