Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước:

Công trình xây dựng càng nhỏ, thất thoát càng lớn

Thứ Bảy, 28/09/2013, 00:34
Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại Hội thảo dự thảo luật xây dựng (sửa đổi) ngày 27/9. Đồng thời đây cũng là ý kiến của các chuyên gia, những người có chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là thất thoát lớn trong lĩnh vực đầu tư công và đòi hỏi Luật Xây dựng sửa đổi cần phải bổ sung để giải quyết được tình trạng này.
>> Lãng phí nhiều nhưng chưa ai bị xử lý

Đầu tư dàn trải, theo phong trào gây lãng phí lớn

Một trong những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm đối với dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi lần này chính là việc thất thoát, lãng phí lớn trong lĩnh vực đầu tư công mà đã được nhắc đến nhiều nhưng chưa có liều thuốc “đặc trị”. Theo đánh giá của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc đầu tư dàn trải, đầu tư theo phong trào, tư duy thành tích hiện đang là vấn đề nhức nhối. Đây chính là một trong những nguyên nhân chính gây thất thoát, lãng phí lớn nhất ngân sách hiện nay. Hàng loạt các dự án đang phải trả giá lớn, gây lãng phí, thất thoát lớn hiện nay do đầu tư dàn trải có thể kể đến như: đầu tư hàng loạt nhà máy xi măng, cảng, nhà máy đường, sân bay, chợ, kể cả đường sá… dẫn đến việc nhà máy không có nguồn nguyên liệu, cảng không có tàu cập bến, sân ga sử dụng công suất thấp, chợ không có người họp, đường không khai thác hết công suất…

Đặc biệt, hiện nay tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra khi hàng loạt công trình thủy điện nhỏ và vừa được triển khai. Chẳng hạn như riêng Tây Nguyên có 483 dự án thủy điện nay đã phải loại bỏ 155 dự án, 90 dự án đang phải xem xét lại. Trong khi đó, các dự án này để chuẩn bị đầu tư xây dựng đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng. Ví dụ, gần đây dự án cảng Cam Ranh đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng và đã được quyết định đầu tư, nay dừng lại có phải là lãng phí quá lớn. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 7/17 dự án công trình nhà máy thép ngoài quy hoạch, nhiều nhà máy xi măng xây dựng mới ngoài quy hoạch. Trong lĩnh vực bất động sản còn trầm trọng hơn do phong trào người người, nhà nhà, ngành ngành đầu tư kinh doanh bất động sản, nhất là các dự án nhà ở. Từ đó dẫn đến việc hàng ngàn, hàng vạn dự án được phê duyệt triển khai, cung vượt quá cầu cả về số lượng và chủng loại gây lãng phí lớn, lên đến con số hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Lãng phí, thất thoát trong các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước hiện đang rất lớn.

Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là từ trách nhiệm quản lý nguồn vốn. Đối với nguồn vốn của người dân, của nước ngoài, của đơn vị kinh tế ngoài Nhà nước, chủ đầu tư thường rất thận trọng trong việc khảo sát, tìm hiểu thị trường, tìm hiểu nguồn nguyên liệu, sản phẩm đầu ra… tính toán rất kỹ hiệu quả kinh tế trước khi quyết định đầu tư, do họ là ông chủ thực sự. Còn đối với nguồn vốn Nhà nước “vốn của chung, không của một ai”, do đó trách nhiệm quản lý vốn không được chặt chẽ, đây chính là khâu gây thất thoát, lãng phí lớn nhất. Trong khi vốn Nhà nước có hạn, đầu tư dàn trải dẫn đến thời gian hoàn thành dự án kéo dài, chất lượng thi công bị ảnh hưởng, giá thành bị đội lên gây thất thoát, lãng phí lớn. Hiện tượng này đã được nêu lên từ rất lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ông Hùng ví dụ cái giá đang phải trả là từ các tập đoàn như: Vinashin, Vinalines. Do giao quyền hạn quyết định đầu tư quá lớn dẫn đến việc thất thoát lãng phí do đầu tư ngoài ngành, không phù hợp với yêu cầu của thị trường, trong đó có nhiều dự án đầu tư từ kinh doanh bất động sản.

Ảnh: Thiện Hoàng.

Phải quy trách nhiệm cụ thể

Ông Bùi Trung Dung, Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, công tác khảo sát là công tác rất quan trọng, trong khi đó có đến 70% các công trình không đảm bảo chất lượng là do công tác khảo sát. Sau đó đến khâu thiết kế, công tác thiết kế hiện nay đang có quá nhiều vấn đề. Do đặc thù của sản phẩm công trình xây dựng là không được làm lại, không được phá đi, không được dỡ bỏ, nếu có sai sửa rất khó, cho nên đây chính là vấn đề của việc thất thoát lãng phí của việc đầu tư các công trình công mà hậu kiểm không thể giải quyết được. Do đó phải làm tốt công tác tiền kiểm (thẩm tra khảo sát, thiết kế, đầu tư…).

Một vấn đề nữa theo ông Dung là việc không minh bạch, không rõ ràng trong việc sử dụng các nguồn vốn trong hoạt động xây dựng của các dự án nhà nước. Tuy nhiên, Luật Xây dựng 2003 lại không quy định rõ ràng sự khác nhau giữa các nguồn vốn. Đối với các công trình của tư nhân, doanh nghiệp thì trách nhiệm quản lý vốn của họ rất rõ ràng, còn các công trình sử dụng vốn Nhà nước thì chỉ chủ đầu tư là những người được ủy quyền sử dụng thuế của dân nên trách nhiệm quản lý không được sát sườn, dẫn đến thất thoát, chậm tiến độ gây lãng phí lớn.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng  Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, việc thất thoát, lãng phí trong các dự án sử dụng ngân sách Nhà nước hiện nay đang làm rất lớn. Càng những dự án xây dựng càng nhỏ, thất thoát càng lớn; càng những dự án xây dựng ở vùng sâu, vùng xa, thất thoát càng nhiều. Nguyên nhân theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng là do các dự án xây dựng lớn trọng điểm thường được quản lý, kiểm tra chặt chẽ, còn các dự án nhỏ, xa khâu quản lý Nhà nước thường lỏng lẻo dẫn đến việc thất thoát nhiều hơn. Điều này thể hiện công tác quản lý Nhà nước về vốn còn yếu kém.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, tình trạng thất thoát, lãng phí cho Nhà nước vẫn chưa có biện pháp khắc phục là do không có chế tài quy trách nhiệm cụ thể. Cần thiết phải quy được trách nhiệm cụ thể, mà ở đây chính là người ký quyết định đầu tư gây ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Chế tài xử lý từ trước đến nay chưa nghiêm, người ký quyết định đầu tư đó sai thì phải chịu trách nhiệm. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND… sai thì phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đã nhắc đến rất nhiều các dự án gây thất thoát, lãng phí tiền thuế của dân nhưng chưa thấy có ai phải chịu trách nhiệm. Do đó Luật Xây dựng sửa đổi lần này phải đề ra những chế tài xử lý nghiêm

Phan Hoạt
.
.
.