Công khai rao bán xe máy không giấy tờ

Thứ Sáu, 09/04/2010, 10:59
Chỉ cần vào mạng gõ từ khóa "xe máy không giấy tờ", trong vòng 0,23 giây đã nhận được tới 4.090.000 địa chỉ liên quan đến việc quảng cáo, rao bán, tìm mua các loại xe máy không giấy tờ. Có vô số chủng loại xe máy được rao bán nhưng nhiều nhất phải kể đến dòng xe tay ga đắt tiền. Giá một chiếc xe có thể chỉ từ 2 - 4 triệu đồng, hoặc cao hơn đối với xe PS cũng chỉ là 2.000USD.

Thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng công khai rao bán xe máy xịn, giá rẻ, không giấy tờ. Nhiều người ham rẻ, chuộng xe đẹp cũng tìm mua xe theo lời quảng cáo. Nhưng, không ít người đã sập bẫy của những kẻ lừa đảo. Còn nếu không bị lừa thì họ lại mắc phải lỗi vi phạm pháp luật đã quy định rõ trong Bộ luật Hình sự.

Những chiêu lừa

Chưa bao giờ xe máy không giấy tờ lại được công khai rao bán nhiều như hiện nay. Đường dây nóng Báo CAND cũng nhận được nhiều phản ánh của độc giả về tình trạng trên. Chỉ cần vào mạng tìm kiếm, gõ từ khóa "xe máy không giấy tờ", trong vòng 0,23 giây, chúng tôi đã nhận được tới 4.090.000 địa chỉ liên quan đến việc quảng cáo, rao bán, tìm mua các loại xe máy không giấy tờ.

Có vô số chủng loại xe máy được rao bán ở đây, từ LX, Nouvo, PS, Air Blade cho đến SCR, Dream, Wave… nhưng nhiều nhất phải kể đến dòng xe tay ga đắt tiền. Giá rao bán cũng rẻ ở mức chưa từng thấy. Giá một chiếc xe có thể chỉ từ 2 - 4 triệu đồng, hoặc cao hơn đối với xe PS cũng chỉ là 2.000USD.

Những người rao bán xe đều kèm theo điện thoại liên hệ, hướng dẫn cách giao dịch và thậm chí là có cả lời giải thích: "làm vài chuyến là em giải nghệ". Người rao muốn mua xe không giấy tờ cũng lý giải: "Cặp với "chân dài", "chân dài" thích lắm tiền, xe đẹp, nhưng chỉ có ít tiền nên đành mua xe không giấy tờ cho rẻ".

Theo hướng dẫn của người rao bán xe trên các trang web, có 3 cách để thực hiện giao dịch: chuyển tiền đặt cọc qua tài khoản ngân hàng (mức thường là từ 1 triệu đến 3 triệu đồng); nạp tiền vào thẻ điện thoại cho người bán; và gặp gỡ, giao dịch trực tiếp.

Có rất nhiều quảng cáo rao bán xe không giấy tờ trên mạng Internet (Ảnh: Việt Hà).

Chỉ cần đọc qua những lời quảng cáo, người đọc dễ dàng nhận thấy các loại xe rao bán có nguồn gốc bất minh. Có thể đó là xe nhập lậu, và phần nhiều là xe trộm cắp, chiếm đoạt. Họ còn dùng cách gọi khác đối với loại xe này là "xe ngoài vùng phủ sóng", "xe nhảy"… Thậm chí có người không ngại ngần quảng cáo: "Xe không giấy tờ, xe ăn cắp", hay "mua xe miễn hỏi nhiều, xem xe chồng tiền luôn". Không chỉ công khai rao bán xe, tại các địa chỉ này còn quảng cáo cả dịch vụ làm bằng, làm giấy tờ xe.

Quá trình tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo CAND đã biết được một số mánh khoé của những người rao bán xe thực chất là để giăng bẫy, lừa đảo chiếm đoạt tiền của người nhẹ dạ, tham đồ rẻ tiền và thiếu hiểu biết.

Người bị hại cũng vi phạm pháp luật

Anh Trần Văn T. - thợ sửa xe máy và chuyên mua bán các loại xe máy cũ trên phố Phủ Doãn, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tiết lộ với chúng tôi về việc anh bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền khi tìm mua xe máy không giấy tờ. Anh T. vốn cũng có kinh nghiệm trong việc mua bán xe máy cũ, nhưng cảm thấy việc mua xe không giấy tờ sẽ có lãi hơn nên thử tham gia. Anh cho rằng, xe không giấy tờ không chỉ là xe trộm cắp mà còn có cả xe nhập lậu. Thế nên, sau khi tìm được người rao bán xe, anh liên hệ với chủ nhân số điện thoại 016xxxx…

Trao đổi một hồi, người bán yêu cầu: "Lần đầu làm việc với nhau, anh phải đặt cọc để làm tin. Cách đặt cọc đơn giản, chỉ cần chuyển 1 triệu đồng vào tài khoản điện thoại của tôi rồi sẽ có hàng cho anh". Tin lời, anh T. mua thẻ cào rồi chuyển tiền cho người kia. Nhưng ngay lập tức sau khi chuyển tiền xong, anh T. không thể liên lạc được với chủ nhân số điện thoại 016xxx… Vậy là bỗng dưng anh T. mất trắng 1 triệu đồng.

Tương tự, một người bạn khác của anh T. cũng từng bị mất 3 triệu đồng sau khi chuyển tiền vào tài khoản ở ngân hàng D.A. theo yêu cầu của đối tượng rao bán xe máy. Chuyển tiền xong, đối tượng bán xe cũng lặn mất tăm.

Tình trạng sử dụng con bài "xe không giấy tờ giá rẻ" để lừa đảo, thậm chí là cướp tài sản xuất hiện khá lâu và đã có nhiều trường hợp bị cơ quan công an phát hiện, xử lý.

Vụ việc điển hình nhất là vào cuối năm 2009, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã bắt giữ 4 đối tượng về hành vi cướp tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn rao bán xe máy xịn không giấy tờ trên mạng Internet, các đối tượng này đã dụ được nhiều nạn nhân mắc bẫy. Sau khi hẹn khách hàng đến địa điểm giao xe, các đối tượng dùng bình xịt hơi cay tấn công và cướp tiền, tài sản. Các đối tượng khai nhận, chỉ trong vòng 1 tháng, chúng đã gây ra 9 vụ cướp trên địa bàn quận Hà Đông với tổng số tiền và trị giá tài sản lên tới khoảng 100 triệu đồng.

Theo cơ quan Công an cho biết, thực tế xe ăn cắp rao bán dưới hình thức này không nhiều. Việc rao bán xe không giấy tờ chủ yếu chỉ là thủ đoạn để lừa đảo khách hàng. Tuy nhiên, cũng cần phải nói lại, người tìm mua xe máy không giấy tờ thì khi cơ quan công an kiểm tra, phát hiện sẽ bị tịch thu xe. Hoặc nếu biết rõ đó là xe tang vật vụ án mà vẫn mua là hành vi vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Vì vậy, người tiêu dùng phải hết sức cảnh giác khi nhận được các rao bán xe giá rẻ, nhất là xe không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ. Đừng vì ham rẻ mà vi phạm pháp luật và tiếp tay cho đối tượng vi phạm pháp luật.

Điều 250 Bộ luật Hình sự quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn, thu lợi bất chính lớn, đặc biệt lớn… bị phạt tù từ 2 năm đến 15 năm...

Việt Hà
.
.
.