Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012: Nhiều địa phương tụt hạng

Thứ Sáu, 15/03/2013, 11:05
Ngày 14/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012. Bên cạnh những tín hiệu bất ngờ như nhiều gương mặt mới lọt vào top 10, trong khi các quán quân, á quân của các năm trước tụt hạng thì PCI 2012 còn chỉ ra sự sụt giảm trong chất lượng điều hành kinh tế tại nhiều địa phương. Trong đó, đáng chú ý là sự đình trệ trong cải cách hành chính và tiếp cận đất đai cũng như xu hướng gia tăng các hình thức tham nhũng trong đầu tư công.
>> Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) năm 2011

Đình trệ trong cải cách hành chính

Hơn 8.000 doanh nghiệp (DN) trong nước và gần 2.000 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tham gia điều tra PCI 2012 đều quan ngại về tình hình sản xuất kinh doanh. Điểm số PCI 2012 đã sụt giảm mạnh so với năm 2011, từ 59,15 điểm xuống còn 56,2 điểm, thấp nhất trong suốt 8 lần điều tra chỉ số PCI. Đáng nói hơn, PCI 2012 không có địa phương nào đạt đến 65 điểm-dành cho tỉnh có điểm điều hành xuất sắc.

Mặt khác, kết quả PCI 2012 cũng chỉ ra rằng, đang có những đình trệ nhất định trong việc cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, cải cách đang chậm lại ở nhiều lĩnh vực như tính minh bạch, chi phí không chính thức và chi phí lao động. Đa phần DN tham gia điều tra đều cho rằng, việc tiếp cận thông tin, quy hoạch và tài liệu tại các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn và không công bằng. Đặc biệt, chi phí không chính thức vẫn còn gây nhiều trở ngại cho hoạt động của DN. Cùng với đó là những sụt giảm đáng lo ngại ở các lĩnh vực như tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý. Về chi phí thời gian, đa phần các DN cho rằng, cải cách hành chính công trong lĩnh vực hậu đăng ký không có bước tiến mới. Đặc biệt, dù tỷ lệ DN có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá cao (75%) song số DN nhận định nguy cơ bị thu hồi mặt bằng sản xuất kinh doanh là cao và rất cao lại ở mức gần 30% và 61% DN nhận định khả năng thu hồi đất ở mức trung bình. Đồng thời, tỷ lệ DN tin rằng họ sẽ được bồi thường thỏa đáng nếu mặt bằng bị thu hồi cũng giảm từ 41% xuống còn 36%.

Tham nhũng “vặt” giảm, tham nhũng “lớn” gia tăng

Một điểm đáng chú ý là kết quả khảo sát PCI 2012 đã chỉ ra rằng: Tình trạng chi trả phí không chính thức cho cán bộ thực hiện thủ tục, còn gọi là tham nhũng “vặt” ở Việt Nam đã giảm nhẹ trong những năm qua. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, tham nhũng đang dần thay đổi cách thức. Mặc dù tần suất chi trả cho các chi phí không chính thức đã giảm xuống, song quy mô và phạm vi hối lộ để giành hợp đồng làm ăn với các cơ quan chính phủ hoặc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã gia tăng. Nói cách khác, tham nhũng “vặt” tuy đã giảm bớt, song tham nhũng “lớn” trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm. Sử dụng phương pháp khoa học để tìm hiểu những thông tin nhạy cảm, nhóm nghiên cứu PCI đã tính toán được số DN tham gia vào hoạt động phi chính thức này. Nhìn chung, có 42% DN đã trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để đảm bảo giành hợp đồng với cơ quan nhà nước, tăng mạnh so với năm 2011. Trong đó, tỷ lệ DN tham gia hối lộ trong mua sắm công rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ tăng trưởng, mối quan hệ của DN, ngành nghề và mức độ tập trung của ngành. DN trả hoa hồng thay đổi theo ngành nghề. Thấp nhất là trong lĩnh vực sản xuất; lĩnh vực thương mại ở mức trung bình; còn lĩnh vực xây dựng cơ bản xếp ở vị trí cao nhất.            

Đồng Tháp lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PCI 2012

Theo kết quả PCI 2012, vị trí số 1 là Đồng Tháp, tiếp theo là An Giang và Lào Cai – tỉnh đứng đầu năm ngoái. Một lần nữa, Long An và Bắc Ninh đều nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành tốt nhất trên cả nước. Bình Định và Vĩnh Long, dù tụt hạng trong năm 2011, nhưng năm nay đã lấy lại được phong độ của những năm trước đó. Trong khi đó, điểm số của các tỉnh luôn dẫn đầu như Bình Dương và Đà Nẵng lại giảm rõ rệt. Hai trung tâm lớn về kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dù có nhiều cải thiện đáng kể song vẫn chưa thể lọt vào top 30 của bảng xếp hạng.

PV

Huyền Thanh
.
.
.