Còn tiêu cực lãng phí trong cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước

Thứ Tư, 03/05/2006, 15:20

Kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp ở Hà Nội nói chung đạt kết quả tốt nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập, để thất thoát tài sản Nhà nước, bỏ qua giá trị quyền sử dụng đất, không tính lợi thế thương mại, lợi thế thương hiệu… trong khi cổ phần. Nhà nước và người lao động chịu thiệt, còn kẻ cơ hội sẽ có điều kiện trục lợi trái.

Trước khi tiến hành cổ phần hóa, Hà Nội có 246 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Sau khi sắp xếp đổi mới, do phát hành thêm cổ phiếu, bình quân vốn của DN tăng ít nhất gấp đôi. Một số công ty đạt mức tăng vốn lớn như: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội tăng từ 7,19 tỷ đồng lên 47,17 tỷ đồng; Công ty cổ phần Điện tử Giảng Võ tăng từ 11,99 tỷ lên 36 tỷ đồng; Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp tăng từ 17,7 tỷ lên 38 tỷ đồng… Nhưng điều quan trọng mà mô hình quản lý mới đem lại chính là tiềm năng huy động vốn lớn, phương thức huy động vốn hết sức linh hoạt vào những lĩnh vực đầu tư hiệu quả. Kết quả sau thời gian cổ phần hóa đã huy động được 821 tỷ đồng vốn đầu tư (chiếm 66,1% vốn điều lệ).

Điều dễ nhận biết về sự chuyển đổi DN chính là sự thay đổi căn bản cơ chế quản lý và hiệu quả xã hội mà nó mang lại. Nếu như trước đây, tình trạng lãng phí đất đai, vật tư, lao động, máy móc tràn lan ở hầu hết các DNNN mà trách nhiệm xem như không thuộc về ai cả, thì nay tình trạng này đã cơ bản chấm dứt. Sự chuyển đổi mạnh mẽ này đã đem lại hiệu quả rõ rệt về mặt xã hội: Đại bộ phận người lao động trong các công ty cổ phần là các cổ đông, nghĩa là họ thực sự là người chủ DN ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất. Năng suất lao động, mức lương, lợi tức hàng năm ở các DN đều tăng. Vấn đề lao động dư dôi trong các DN gây khó khăn cho công tác giải quyết chính sách xã hội nhiều năm qua đã được giải tỏa, cất đi gánh nặng cho các công ty cổ phần.

Tiêu cực, lãng phí chưa hết

Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hoá đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, bộc lộ nhiều sai sót, tình trạng lợi dụng cổ phần hoá để tiêu cực, lãng phí tài sản Nhà nước và tập thể là rất đáng quan ngại. Gần đây nhất, việc thu tiền bán cổ phần và sử dụng tiền thu bán cổ phần tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội đã có dấu hiệu tiêu cực rõ nét: Theo quy định của Nghị định 187/2004/NĐ-CP và Thông tư 126/2004/TT-BTC cho phép các nhà đầu tư được chuyển số dư nợ đang cho DN vay thành vốn góp cổ phần.

Song, việc chuyển dư nợ vay thành vốn góp phải đảm bảo đúng quy định hiện hành của Nhà nước như: Có hợp đồng khế ước vay; có số dư nợ vay tại thời điểm xác định giá trị DN cổ phần hóa và tại thời điểm đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp; số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần tối đa bằng số dư nợ vay và không lớn hơn số tiền mua cổ phần phải trả theo kết quả đấu giá…

Trên thực tế, việc làm tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 trái với quy định này. Số tiền bán đấu giá cổ phần đề nghị được chuyển nợ thành vốn góp là 14.360.500.000đ, nhưng chỉ có 6.789.000.000đ là đủ điều kiện chuyển nợ, số còn lại 7.571.500.000đ đã thực hiện chuyển nợ không đúng quy định. Bản chất của vấn đề là công ty trên đã báo cáo và đề nghị chuyển nợ cho 26 nhà đầu tư không có số dư nợ tại công ty, hoặc số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp lớn hơn số dư nợ vay khá nhiều, thu tiền bán cổ phần tại công ty và giữ lại sử dụng không đúng quy định tới 7.571.500.000đ.

Một sai phạm khác, theo quy chế đấu giá thì các nhà đầu tư không có số dư nợ cho vay tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 thì phải nộp tiền mua cổ phần tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội hoặc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt trong phạm vi 15 ngày làm việc, kể từ ngày công bố kết quả đấu giá. Nhưng các nhà đầu tư đã không nộp tiền theo quy định, mà nộp vào Công ty Đầu tư xây dựng số 2 rồi lập tức làm thủ tục để chuyển nợ vay thành vốn góp  trái quy định, vi phạm quy chế đấu giá và tất nhiên sẽ mất tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần được mua…

Tất cả những sai phạm ấy chỉ có thể giải thích là do một số người nắm giữ quyền lực ở đây "thương lượng" với nhau làm trái quy định không vì mục đích chung. Vì thế, Sở Tài chính Hà Nội đã đề nghị UBND thành phố huỷ bỏ kết quả đại hội cổ đông lần 1, không cho các nhà đầu tư vi phạm quy chế đấu giá mua 841.278 cổ phần tương ứng mệnh giá 8.412.780.000đ và số tiền đặt cọc 841.277.778đ cũng không được hoàn trả. Ngoài ra, ở một số công ty cổ phần có hiện tượng chuyển nhượng cổ phiếu trái quy định rất phức tạp nhằm hưởng chênh lệch giá, nhất là các DN có lợi thế kinh doanh cao, địa điểm có giá bất động sản tăng nhanh.

Theo cán bộ Sở Tài chính Hà Nội, nhiều trường hợp muốn mua cổ phiếu nhưng không thể mua được vì vấp phải tệ đầu cơ, hoặc bị "điều chỉnh" theo kiểu "tranh mua, ép bán" cổ phiếu rất phức tạp. Trước tình hình đó, hầu hết các nhà quản lý cho rằng phải có thái độ "cứng rắn"... Chẳng hạn như trường hợp Công ty Tài chính dầu khí đã trúng toàn bộ 940.600 cổ phần bán ra của Công ty Xây dựng số 3 Hà Nội, nhưng sau đó lại từ chối mua với lý do "ghi nhầm mức giá đấu quá cao". Sau sự việc này đã có ý kiến đề xuất "nên tổ chức triển khai chào bán đấu giá lại".

Nhưng dưới góc độ chuyên môn, Sở Tài chính Hà Nội căn cứ điểm 3, Điều III quy định về trách nhiệm và quyền hạn của người tham gia đấu giá cho rằng: Người tham gia đấu giá phải tự chịu trách nhiệm về những sự nhầm lẫn, sai sót của mình trong quá trình đăng ký và tham gia đấu giá. Trên cơ sở đó, Sở kiên quyết đề nghị UBND thành phố cho phép Công ty Xây dựng số 3 bán 940.600 cổ phần do nhà đầu tư là Công ty Tài chính dầu khí từ chối mua cho nhà đầu tư trả giá liền kề (nhưng không thấp hơn giá khởi điểm)... Đương nhiên, Công ty Tài chính dầu khí cũng mất khoản tiền đặt cọc là 1.222.780.000đ vì vi phạm quy chế đấu giá cổ phần

Thanh Phong
.
.
.