Xuất khẩu cá Tra:

"Con sâu làm rầu nồi canh"

Thứ Hai, 09/06/2008, 14:52
Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói: Điều khó khăn nhất hiện nay, trên bao bì của các sản phẩm cá tra khi xuất ra ngoài đều không hề có một dòng thông tin, địa chỉ, lô gô của doanh nghiệp chế biến. Chính vì vậy, đã dẫn tới thực tế “con sâu làm rầu nồi canh”.

Bên lề cuộc họp có liên quan đến cá tra diễn ra sáng 6/6 tại An Giang, trao đổi với PV Báo CAND, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lương Lê Phương cho biết, con cá tra đã mang lợi ích rất lớn cho người dân vùng ĐBSCL.

Nhìn nhận ở phương diện vĩ mô, mặt hàng cá tra xuất khẩu đã mang lại nhiều ngoại tệ đáng kể cho nền kinh tế đất nước. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của cá tra đạt gần 1 tỉ USD. Năm 2008, mặt hàng xuất khẩu này chỉ đứng sau hạt gạo với mục tiêu khoảng 1,2 tỉ USD.

Tuy nhiên, với diễn biến giá cá xuất khẩu trong thời gian gần đây, Việt Nam có thể sẽ khó đạt được mục tiêu này. Một trong những nguyên nhân là do nước ta chưa có quy hoạch phát triển bền vững đối với vùng nuôi, cũng như việc chế biến xuất khẩu mặt hàng cá tra; kế đến là do thị trường tiêu thụ biến động nhất là vào thời điểm này. Giá cá tra xuất khẩu bình quân của 5 tháng qua chỉ còn 2,33 USD/kg trong khi giá bình quân của cả năm 2007 là 2,7 USD/kg.

Có một thực tế đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá mặt hàng cá tra xuất khẩu, đang gây bức xúc cho cộng đồng nuôi và chế biến xuất khẩu là hành vi gian lận thương mại của một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu.

Thứ trưởng Lương Lê Phương cho biết, một số doanh nghiệp đã biến dây chuyền dùng để bơm gia vị vào sản phẩm (thịt cá...) thành dây chuyền dùng để bơm nước vào sản phẩm cá tra để tăng trọng. Trên thị trường hiện nay, dây chuyền này có giá tối thiểu là 82.000 EUR.

Trước đó, khi dự cuộc họp trực tuyến tìm lối ra cho hàng trăm ngàn tấn cá tra nguyên liệu đến lứa từ nay đến tháng 8/2008 tại các tỉnh ĐBSCL vào ngày 1/6 vừa qua, ông Võ Đông Đức - Giám đốc Công ty CP chế biến XNK thủy sản Cần Thơ đã bức xúc kể lại chuyện có 5 doanh nghiệp đã sử dụng máy bơm để trích nước và dung dịch vào sản phẩm cá nhằm làm tăng trọng lượng cá hơn thực tế. Tại hội chợ thủy sản quốc tế thường niên tổ chức tại Brussels (Bỉ) vừa rồi, các doanh nghiệp này đã bán phá giá, gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp khác.

Ông Ngô Phước Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kể, trước khi tham dự hội chợ này, các doanh nghiệp Việt Nam thống nhất nhau không được chào bán với giá thấp hơn 3,1 - 3,2 USD/kg. Tuy nhiên, khi hội chợ diễn ra, một số doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ) đã “xé rào”.

Họ giải thích rằng sở dĩ họ bán giá thấp như vậy là do sản phẩm cá của họ chất lượng không tốt bằng những doanh nghiệp còn lại (?). Điều khó khăn nhất theo ông Hậu là hiện nay, trên bao bì của các sản phẩm cá tra khi xuất ra ngoài đều không hề có một dòng thông tin, địa chỉ, lô gô của doanh nghiệp chế biến. Chính vì vậy, đã dẫn tới thực tế “con sâu làm rầu nồi canh”.

Thực hiện tinh thần này, Thứ trưởng Lương Lê Phương cho biết ông vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu. Thông tin từ lãnh đạo VASEP cho biết có ít nhất 30 dây chuyền này đang được các doanh nghiệp sử dụng cho hành vi gian lận thương mại trên.

"Tôi sẽ báo cáo đến Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng. Đây là hành vi phá hoại kinh tế chứ không phải đơn thuần chỉ là cái lợi cho cá nhân một số doanh nghiệp. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngay trong cuộc họp trực tuyến ngày 1/6 vừa qua sau khi nghe thông tin này cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn, yêu cầu xử lý nghiêm khắc các doanh nghiệp vi phạm, chấn chỉnh phong cách làm ăn, đảm bảo uy tín của ngành hàng trên thế giới".

Theo Thứ trưởng Lương Lê Phương: "Trước mắt, cần khẩn trương phân lọc chính xác những doanh nghiệp có hành vi này. Nếu giáo dục, thuyết phục không được, sẽ đề nghị xử lý nghiêm theo pháp luật". Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đề nghị báo chí bên cạnh việc biểu dương gương tốt, cũng phải vạch mặt, chỉ tên những doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến cá tra xuất khẩu và nền kinh tế của đất nước.

Ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn sản xuất và chế biến cá tra, cá ba sa

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các NHTM thực hiện một số nội dung liên quan đến việc cho vay vốn để sản xuất, chế biến cá tra, cá ba sa.

Cụ thể các NHTM cần tập trung các nguồn vốn để cho vay các doanh nghiệp đầu mối thu mua và chế biến cá tra, cá ba sa. Các doanh nghiệp đầu mối này phải đảm bảo hoạt động kinh doanh có hiệu quả, có khả năng tài chính, có thị trường tiêu thụ sản phẩm, đúng với quy chế cho vay và được UBND tỉnh, thành phố giới thiệu.

Đối với hộ chăn nuôi chưa tiêu thụ cá tra, cá ba sa và có nhu cầu xin gia hạn nợ thì các NHTM xem xét cho gia hạn nợ theo quy định hiện hành. Trong những năm gần đây, sản xuất và chế biến cá tra, cá ba sa ở các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long phát triển, góp phần cải thiện đời sống người dân.

(L.T.)

Binh Huyền
.
.
.