Sau 1 tháng kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động ngoại hối trên địa bàn TP Hà Nội:

Còn nhiều cửa hàng niêm yết giá bằng ngoại tệ

Thứ Hai, 06/07/2009, 10:09
Trao đổi với PV Báo CAND, bà Bùi Dương Quỳnh Mai, Phó Trưởng phòng Quản lý ngoại hối, NHNN Chi nhánh Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra, khẳng định việc kiểm tra đã có tác động thực tế cũng như là một cách tuyên truyền tới các cá nhân, tổ chức không được vi phạm các hoạt động về ngoại tệ...

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Hà Nội, sau một tháng tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý các hành vi mua, bán, quảng cáo, niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ trái pháp luật trên địa bàn TP Hà Nội, Đoàn liên ngành gồm NHNN Chi nhánh Hà Nội, Công an TP Hà Nội, Chi cục Quản lý thị trường, đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối với 11 (trong tổng số 22 doanh nghiệp được kiểm tra) doanh nghiệp quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ trái quy định, trong đó 7 doanh nghiệp niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ.

Trao đổi với PV Báo CAND, bà Bùi Dương Quỳnh Mai, Phó Trưởng phòng Quản lý ngoại hối, NHNN Chi nhánh Hà Nội, Trưởng đoàn kiểm tra, khẳng định việc kiểm tra đã có tác động thực tế cũng như là một cách tuyên truyền tới các cá nhân, tổ chức không được vi phạm các hoạt động về ngoại tệ.

Nhìn chung, các biện pháp tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm nêu trên đã góp phần vào việc ổn định thị trường ngoại hối, nhất là việc mua bán công khai trên thị trường tự do, tình trạng các tổ chức, cá nhân quảng cáo, thông báo, niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ bằng ngoại tệ trái phép đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, cũng có nhiều cơ sở đối phó bằng cách lúc có đoàn kiểm tra thì dừng hoạt động, lúc kiểm tra xong lại vi phạm trở lại.

Thực tế, việc mua bán ngoại tệ tuy không còn công khai như trước, nhưng mua bán lén lút, vi phạm thì vẫn còn nhiều, với nhiều chiêu "lách luật" gây khó khăn cho công tác xử lý vi phạm, cụ thể như: Doanh nghiệp niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ không ghi loại tiền nhưng lại có các mã số (khách hàng vẫn có thể dễ dàng hiểu đó là giá tính bằng đô la Mỹ) hoặc niêm yết giá sản phẩm, dịch vụ bằng đồng Việt Nam nhưng lại ghi chú "giá của sản phẩm tương đương đô la Mỹ"; doanh nghiệp không quảng cáo, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ tại các địa điểm kinh doanh nhưng vẫn thông báo trên các trang web của doanh nghiệp; một số doanh nghiệp trong ngành Du lịch, khách sạn thông báo, quảng cáo giá bằng ngoại tệ trên mạng toàn cầu, phục vụ cho khách quốc tế đến Việt Nam…

Ngoài ra, khá nhiều cơ sở khi đoàn kiểm tra đến thì chỉ gặp nhân viên, không gặp được chủ doanh nghiệp thật sự với rất nhiều lý do để vắng mặt, nên việc lập biên bản, xử phạt rất khó thực hiện.

Điều đáng nói là Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra trong gần 30 ngày, mà chỉ kiểm tra được có 22 đơn vị, xử phạt 58 triệu đồng là một con số quá ít so với thực tế. Trước đó, PV Báo CAND đã phản ánh một số cửa hàng vi phạm niêm yết giá bằng ngoại tệ cho đoàn kiểm tra, nhưng hầu như tất cả các cửa hàng này đều "như chưa từng có cuộc kiểm tra".

Giải thích về điều này, bà Mai cho biết, 22 đơn vị được kiểm tra là những công ty có tư cách pháp nhân và đoàn kiểm tra theo kiểu ngẫu nhiên chứ không bắt buộc theo tiêu chí nào cả. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết những vi phạm về niêm yết bằng ngoại tệ đều là ở những cửa hàng bán lẻ, còn các công ty có tư cách pháp nhân thì vi phạm này không nhiều

Lệ Thuỷ
.
.
.