Có nên tăng thuế TTĐB đối với ôtô?

Thứ Ba, 28/10/2008, 08:03
Việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB (theo dự luật mới) đối với một số mặt hàng mang tính đột biến như ôtô 6-9 chỗ ngồi trên 3.000 cc tăng hơn 2 lần, từ 30% lên 70%. Theo lập luận nhiều đại biểu QH, việc tăng thuế suất ôtô tới hơn 2 lần như vậy là quá cao.
>> Ôtô nhập khẩu: Nhà nước thất thu, người tiêu dùng chịu thiệt

Các ý kiến xoay quanh diện đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và mức thuế trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày 27/10 song vẫn chia hai quan điểm rõ rệt. Đoàn Chủ tịch kỳ họp cho biết, đây là vấn đề lớn, cần phải nghiên cứu, chỉnh lý phù hợp trước khi đưa ra biểu quyết.

Điều hòa nhiệt độ: đặc biệt hay thông dụng?

"Điều hòa nhiệt độ ngày càng thông dụng, không nên coi là thứ hàng xa xỉ, đặc biệt, cần loại khỏi diện chịu thuế TTĐB" - đại biểu Mỹ Hương (Ninh Thuận) lập luận. Nhiều ý kiến khác cũng chung quan điểm, cho rằng khi đời sống người dân đã nâng cao, nhu cầu sử dụng điều hòa trở nên thông dụng, không thể coi mặt hàng "đặc biệt".

Vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về các loại hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) lại có cách lập luận khác: Nhiều mặt hàng dù không xa xỉ, chẳng hạn như rượu, bia song không vì thế không coi đối tượng chịu thuế TTĐB. Việc đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế còn nhằm đảm bảo chính sách năng lượng.

Bổ sung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Pha (Quảng Bình) giải thích: Điều hòa nhiệt độ chủ yếu dùng ở thành thị nhưng chủ yếu công sở và hộ gia đình có thu nhập cao.

Tại bệnh viện, hiện cũng chỉ có phòng VIP mới lắp điều hòa, còn phòng bình dân chỉ dùng quạt. Trong khi đó, đa số người dân không dùng điều hòa không phải bởi họ không có tiền mua mà cái chính là không có tiền điện để "nuôi". Phần lớn người dân nông thôn vẫn chưa thể "mơ" điều hòa! 

Thẩm mỹ viện: Quyền làm đẹp, sao lại "đặc biệt"?

Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện được nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào diện chịu thuế TTĐB. "Đây là dịch vụ mang tính ăn chơi, dành cho những người nhiều tiền, vì vậy cần bổ sung vào diện chịu thuế" - đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) đề nghị.

Tuy nhiên, cách giải thích của đại biểu Nguyễn Văn Pha lại hoàn toàn khác: Mỹ phẩm, thẩm mỹ viện là nhu cầu làm đẹp bình thường của phụ nữ, kể cả nam giới. Những dịch vụ này dù chưa phải chịu thuế TTĐB mà giá cả đã rất đắt đỏ. "Làm đẹp là quyền của phụ nữ, nếu đánh thuế, đẩy giá lên cao, tức là ta góp phần tước mất quyền làm đẹp của họ" - đại biểu Pha tỏ ra thông cảm.

Dự án luật Thuế TTĐB sửa đổi đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trước đó với nhiều tranh luận về đối tượng điều tiết cũng như mức thuế suất đối với từng mặt hàng. Dự luật lần này bổ sung 4 đối tượng vào diện chịu thuế và tăng thuế suất thuế TTĐB đối với hầu hết các mặt hàng, dịch vụ được coi là xa xỉ như: rượu, bia, ôtô, môtô phân khối lớn, máy bay, du thuyền, kinh doanh vũ trường, massage, karaoke, casino, sân golf...

4 lý do không nên tăng thuế suất ôtô quá cao

Luật Thuế TTĐB hiện hành quy định mức thuế suất ôtô phân biệt theo số chỗ ngồi. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đang áp dụng thuế TTĐB ôtô theo số chỗ ngồi và dung tích xi lanh. Dự luật lần này điều chỉnh mạnh thuế suất ôtô dưới 10 chỗ ngồi, quy định mức thuế suất TTĐB phân biệt theo dung tích xi lanh: từ 2.000 cc trở xuống: 50%; trên 2.000 cc đến 3.000 cc: 60% và trên 3.000 cc: 70%. Xe từ 10 đến dưới 16 chỗ ngồi giữ nguyên mức thuế suất hiện hành 30%; xe từ 16 đến dưới 24 chỗ giữ nguyên mức 15%...

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lập luận rằng, yêu cầu của chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 đối với thuế TTĐB là mở rộng đối tượng chịu thuế. Mức độ mở rộng đối tượng chịu thuế trong dự luật này còn thấp, mới chỉ bổ sung du thuyền, máy bay, môtô phân khối lớn…

Việc điều chỉnh thuế suất thuế TTĐB đối với một số mặt hàng còn mang tính đột biến như thuế suất rượu từ 20o đến dưới 40o tăng từ 30% lên 55%. Đặc biệt, ôtô 6-9 chỗ ngồi trên 3.000 cc tăng hơn 2 lần, từ 30% lên 70%. Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, việc tăng thuế suất là cần thiết, song phải tính toán kỹ, bảo đảm yêu cầu không gây đột biến lớn cho thị trường, tránh những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo lập luận nhiều đại biểu, việc tăng thuế suất ôtô tới hơn 2 lần như vậy là quá cao. Đại biểu Vũ Hồng Anh (Hà Nội) giải thích: Nếu cho rằng, thuế suất ôtô dưới 10 chỗ ngồi thấp sẽ khiến sức mua tăng, gây ùn tắc là không có cơ sở. Thực tế, ùn tắc chỉ xảy ra ở đô thị lớn và chủ yếu vẫn do môtô, xe máy.

Thứ hai, không cứng nhắc coi ôtô là hàng xa xỉ, chỉ dành cho người nhiều tiền vì hiện nhiều cá nhân, tổ chức cần mua ôtô để phục vụ nhu cầu công việc, dù họ ít tiền. Theo định hướng, đến năm 2020, ôtô ở đô thị lớn phải đạt đến 17% thì xu hướng mở là cần thiết.

Thứ ba, đánh thuế mạnh để hạn chế nhập siêu cũng không có cơ sở vì để hạn chế nhập siêu có nhiều biện pháp.

Thứ tư, việc tăng thuế ôtô nhập khẩu quá cao sẽ tiếp tục bảo hộ ôtô trong nước, không khuyến khích doanh nghiệp ôtô trong nước đổi mới sản xuất, cạnh tranh, nâng cao chất lượng.

Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích: Do chủ trương hạn chế nhập siêu trong điều kiện hiện nay nên áp thuế suất cao cho mặt hàng này nhưng khi vượt qua giai đoạn khó khăn thì thuế suất có thể thay đổi. Trong điều kiện bình thường thì thuế suất 30% - 45% là vừa phải, tương đương với các nước trong khu vực ASEAN.

* Luật Quản lý nợ công:  Đừng ký "mát tay"  để sau lo trả nợ

Trong phiên thảo luận Luật Quản lý nợ công tại tổ chiều 27/10, các ý kiến khẳng định, việc vay vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị xác định rõ nguyên tắc: vay nợ chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí luật định. Chỉ vay trong trường hợp thực sự cần thiết, tránh vay tràn lan, ký vay "mát tay", tạo gánh nặng trả nợ cho thế hệ sau. Về điều kiện cho vay, cho vay lại, Điều 29 dự thảo luật quy định điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các địa phương thực hiện vay lại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, đối tượng được vay lại bao gồm các dự án như quy định của dự thảo luật là quá rộng, dẫn đến khó quản lý, dễ cho vay tràn lan và sử dụng vốn không hiệu quả, phát sinh rủi ro.

Để đáp ứng yêu cầu chặt chẽ trong việc xét duyệt cho vay vốn, tránh tình trạng cho vay không đúng đối tượng, cho vay tràn lan, phát sinh tiêu cực trong xét duyệt cấp phát vốn vay, "đề nghị Chính phủ quy định tiêu chí cụ thể để được Chính phủ cho vay lại đối với các dự án, đối với các tổ chức kinh tế và các địa phương, cần quy định cụ thể về điều kiện để một tổ chức kinh tế hay một địa phương được vay vốn".

* Đầu tư vàng, USD là mạo hiểm

"Cuộc khủng hoảng tài chính khiến kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, làm giảm giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ đạo của Việt Nam. Cuộc khủng hoảng này đang từng bước ảnh hưởng tới Việt Nam" - đại biểu, chuyên gia KT, TC Cao Sỹ Kiêm khẳng định.

Theo ông, gần đây, tỷ giá USD và giá vàng biến động mạnh, lên xuống thất thường, rất khó dự báo do tác động của cuộc khủng hoảng này. Ông cho rằng, khi điều chỉnh chính sách tiền tệ, các nhà hoạch định chính sách phải rất chú ý tới những điều này, cần linh hoạt khi có những diễn biến trái chiều không phù hợp thì chúng ta phải điều chỉnh ngay. Hiện, các nhà đầu tư không nên vì tâm lý nào đó đầu tư mạnh  vào vàng và USD...

Đ.Trường - Đ.Tuấn
.
.
.