Về gói tín dụng 1.000 tỷ đồng của BIDV cho ngư dân vay đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ:

Cơ hội thuận lợi cho ngư dân có phương tiện vươn khơi

Thứ Bảy, 04/07/2015, 09:18
Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 8/2014, mang tính đột phá nhất, nhanh chóng nhất và toàn diện nhất trong các chính sách phát triển ngành thủy sản nước ta từ trước đến nay, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về mặt xã hội, an ninh, quốc phòng. Nhưng đến thời điểm này, kết quả thực hiện Nghị định 67 tại 28 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đang gặp nhiều khó khăn.

Vấn đề đặt ra hiện nay là, vai trò của các ngân hàng thương mại cổ phần trong việc hỗ trợ bà con tháo gỡ khó khăn này, góp phần đẩy nhanh hơn nữa Nghị định 67 vào cuộc sống.

Sau gần một năm kể từ ngày Nghị định 67 của Chính phủ có hiệu lực, đã có 26/28 tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách khách hàng đủ điều kiện vay vốn. Theo đó trên tổng số 2.284 con tàu được cơ quan thẩm quyền phân bổ thì đã có 840 con tàu (37%) được phê duyệt đủ điều kiện vay đóng mới và nâng cấp. Từ kết quả trên cho thấy, Nghị định 67 đã đi vào cuộc sống, tuy nhiên kết quả đạt được chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế đặt ra. 

Với nhiều cuộc họp Bộ, ngành và qua hai phiên họp Chính phủ, nhiều khó khăn vướng mắc đã được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Những nội dung có thể triển khai được ngay như: thuê công ty thẩm định giá, tăng thời hạn cho vay đối với tàu vỏ thép và các ngân hàng thương mại được phép tham gia vào các tổ giúp việc của các địa phương. Bên cạnh đó, có nhiều khó khăn phải chờ đến các Bộ, ngành hướng dẫn tháo gỡ như việc phê duyệt thiết kế mẫu tàu (Bộ NN&PTNT), xác định giá trị dự toán, hoàn thuế giá trị gia tăng cho chủ tàu đóng mới (Bộ Tài chính), nâng cấp xem xét được sử dụng máy đã qua sử dụng (Bộ Khoa học và Công nghệ)…

Trong quá trình triển khai thực tế, nút thắt lớn nhất liên quan đến việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại là các bà con ngư dân thiếu hoặc không chứng minh được nguồn vốn đối ứng phải tham gia theo phương án đóng tàu. 
Với việc BIDV và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, ngư dân sẽ sớm có phương tiện vươn khơi, bám biển.

Để tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân và đẩy nhanh tiến độ triển khai Nghị định 67 một cách hiệu quả, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triển khai “Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình bổ sung vốn đối ứng để đóng tàu theo Nghị định 67” để chia sẻ và hỗ trợ một phần chi phí cho bà con ngư dân. 

Như vậy, việc triển khai gói tín dụng này sẽ góp phần tháo gỡ một nút thắt quan trọng trong quá trình triển khai Nghị định 67 trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mục đích vay vốn, giúp nâng cao năng lực đánh bắt và khai thác trên biển và nó là phần cụ thể hóa cho chiến lược phát triển kinh tế biển của đất nước chúng ta theo tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Để hiểu thêm về vấn đề này, ngày 3/7, phóng viên Báo CAND đã trao đổi với ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV.

Đề nghị ông cho biết, điều kiện vay vốn gói 1.000 tỷ đồng? Các cá nhân, hộ gia đình đã vay vốn đóng tàu của ngân hàng khác liệu có được vay vốn đối ứng của BIDV?

Ngân hàng Nhà nước đã lựa chọn các tổ chức tín dụng để tham gia Nghị định 67 dựa trên căn cứ phê duyệt theo danh sách của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. BIDV và các ngân hàng thương mại tham gia với tư cách là thành viên của tổ công tác triển khai thực hiện nghị định 67 do các UBND tỉnh thành lập. Việc vốn đối ứng này, BIDV giải quyết theo phương diện các khách hàng đã tự nguyện đăng ký và làm việc với BIDV. BIDV cũng hy vọng các ngân hàng khác sẽ hỗ trợ cho khách hàng tương tự như cách thức mà BIDV đã thực hiện. Quay về câu hỏi: “Người ta vay vốn đối ứng của anh nhưng không vay đóng tàu của anh có được hay không?”. Câu trả lời rằng, theo quy định là hoàn toàn được nhưng nên quy về một mối để quản lý dòng tiền và hỗ trợ bà con một cách đầy đủ hơn.

Với việc BIDV và các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, ngư dân sẽ sớm có phương tiện vươn khơi, bám biển. Ảnh: Tâm Thư.

Cho vay theo Nghị định 67 thì phải có vốn đối ứng. Nay cho vay cả vốn đối ứng thì liệu người vay có trách nhiệm với khoản vay hay không?

Trách nhiệm đối với bà con - những người lao động thực tế là trong điều kiện có khả năng và làm được. Quan trọng nhất là vay được và sử dụng vốn đúng mục đích, nhưng phải chứng minh được khả năng trả được nợ. Ở đây, người vay phải có tài sản đảm bảo cho khoản vay của mình. Tuy nhiên, đối với những cá nhân không đủ điều kiện có tài sản đảm bảo, BIDV sẽ xem xét cho vay theo hình thức tín chấp. Khi đã được vay và đã có tàu thì bà con dứt khoát sẽ trả nợ. Tuy nhiên, BIDV cũng sẽ tính đến phương thức phối hợp thu hồi nợ vay hợp lý sau mỗi chuyến ra khơi của bà con.

BIDV dự kiến sẽ giải ngân được bao nhiêu trong gói hỗ trợ này?

Tính bình quân một hộ tư nhân vay là 500 triệu. Ngay từ ngày 1/7, chương trình này bắt đầu có hiệu lực nhưng trên thực tế, BIDV đã chỉ đạo các chi nhánh tiếp cận với bà con từ cách đây khoảng một tuần. Bà con ngư dân cũng rất phấn khởi và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng rất đồng tình với chương trình này.

Với gói cho vay 1.000 tỷ này, lợi nhuận của BIDV được tính toán ra sao?

Hiện nay, lãi suất cho vay trung và dài hạn của các tổ chức tín dụng Việt Nam dao động khoảng từ 11% đến 12%. Trong sơ kết 6 tháng đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khuyến nghị các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm từ 1%  đến 1,5% cho lãi suất cho vay trung và dài hạn này. Nếu giả định mức lãi suất cho vay hiện nay là 11,5% phổ biến trên thị trường và giảm tối đa là 1,5% thì vẫn là 10%. Tuy nhiên, BIDV chỉ cho vay gói tín dụng này với lãi suất 6% thì có nghĩa là người dân đã giảm được gần một nửa lãi suất. Điều chắc chắn, gói tín dụng này không phải là mục tiêu lợi nhuận.

Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.
.