Cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao:

Cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm

Chủ Nhật, 27/03/2016, 07:15
Triển khai từ năm 2014, chương trình cho vay thí điểm đối với mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đáng chú ý, chương trình không chỉ là “cứu cánh” cho ngành nông nghiệp mà còn giúp cho thị trường phát triển những thực phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap...

Báo cáo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: sau gần 2 năm triển khai chương trình, các ngân hàng đã giải ngân cho dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương với số tiền 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền 5.627 tỷ đồng cam kết ban đầu. 

Đặc biệt, với những cơ chế đặc thù như lãi suất cho vay chương trình thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; ngân hàng có thể xem xét cho vay các thành viên tham gia liên kết không có bảo đảm bằng tài sản nếu kiểm soát được dòng tiền của chuỗi liên kết... đã góp phần tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát huy lợi thế, cơ hội, ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ nâng tầm, quy mô sản xuất của doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xuất khẩu thủy sản được hưởng lợi từ chương trình cho vay phát triển nông nghiệp. Ảnh minh họa: CTV.

Một trong những địa phương điển hình được hưởng lợi và đạt kết quả rõ rệt nhờ chương trình phải kể đến là An Giang. Là một tỉnh có vựa cá tra lớn, khó khăn của doanh nghiệp cũng như người dân ở An Giang là tài sản đảm bảo không đủ để vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Cơ chế cho vay thí điểm này đã giải quyết được những khó khăn về vốn sản xuất, về việc không đủ tài sản bảo đảm để vay vốn nuôi cá. 

Tổng giám đốc Công ty TNHH TMDV Thuận An – An Giang,  Nguyễn Thị Huệ Trinh cho biết: Để đầu tư sản xuất cho 1 ha mặt nước nuôi cá tra với sản lượng 350 tấn thì vốn đầu tư cần thiết là trên 7 tỷ đồng, trong khi đó, theo quy định hiện hành, giá trị 1 ha đất nuôi cá khi thế chấp chỉ vay được khoảng từ 500 – 600 triệu đồng, chỉ đáp ứng khoảng 10% tỷ lệ bảo đảm theo quy định. Vì vậy, khi cơ chế cho vay thí điểm chuỗi liên kết được ban hành và triển khai thì khó khăn này đã được giải quyết. 

Thông qua chương trình cho vay thí điểm, các địa phương đã bước đầu hình thành các mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Việc hình thành chuỗi liên kết dọc cá tra sẽ giúp gắn kết các công đoạn lại với nhau tạo nên chuỗi giá trị khi các tiêu chuẩn GlobalGap, VietGap... trong tương lai sẽ được các hộ nuôi nhỏ lẻ áp dụng trên vùng nuôi của mình.

Không phải chỉ doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân nuôi cá tra cũng được “đổi đời” nhờ vay vốn. Nông dân nuôi cá Nguyễn Văn Tấn ở xã Bình Thủy, huyện Châu Phú, An Giang cho biết, trước đây, khi còn nuôi tự do, tự kiếm mối bán thì gặp đủ thứ khó khăn: có khi bức bách chuyện thức ăn cho cá phải vay nóng với lãi suất cao, cá tới lứa bán phải chạy vạy tìm nơi tiêu thụ nhưng nhiều khi bán không được... 

Cá tra An Giang được hưởng lợi từ chương trình cho vay phát triển nông nghiệp.

Khi tham gia chuỗi liên kết, gia đình ông đã ký hợp đồng tín dụng với Agribank chi nhánh An Giang với hạn mức 15,5 tỷ đồng, dư nợ tính đến 29-2-2016 là 15,1 tỷ đồng. Ông Tấn đầu tư vào nuôi 7 ao cá với diện tích thả nuôi 32.000m², sản  lượng bình quân khoảng 932 tấn/vụ (tương đương 1.398 tấn/năm). 

“Tham gia chuỗi liên kết, cá tới lứa, thu hoạch ngay đưa về nhà máy để chế biến xuất khẩu, chúng tôi không còn phải lo lắng tìm nơi bán cá nữa. Sau khi công ty quyết toán, lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi phí thức ăn, thuốc men đã sử dụng…, phần dôi dư là lợi nhuận, chúng tôi chỉ việc đến ngân hàng nhận tiền”, ông Tấn phấn khởi chia sẻ.

Chủ tịch tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cũng thông tin: “Có thể nói tài sản bảo đảm là vấn đề kéo dài từ năm 2008 đến nay. Khi thực hiện cho vay theo chuỗi này thì vướng mắc này đã được giải quyết, phải nói là rất thành công, doanh nghiệp thì bao tiêu sản phẩm, người nông dân ký trực tiếp với doanh nghiệp, giao dịch qua tài khoản và ngân hàng kiểm soát từ đầu vào cho tới đầu ra, xuất khẩu. 

Tất cả đều được tập trung quản lý đảm bảo vốn được sử dụng đúng mục đích. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, hệ thống ngân hàng đã vào cuộc, các địa phương đã vào cuộc tích cực. Bấy lâu nay, sản xuất cá tra gặp khó khăn, nhưng nay chúng ta đã xử lý được vấn đề cho vay - vấn đề rất thường trực”.

Đánh giá kết quả cho vay, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc NHNN chỉ rõ những kết quả mà chương trình cho vay thí điểm mang lại là hết sức phong phú và có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trong tình hình hiện nay. 

Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu cho các cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu và vận dụng trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương. 

Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa và tích cực hội nhập với khu vực và thế giới thì sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị và ứng dụng công nghệ cao đối với sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu và chương trình cho vay thí điểm là bước đi tiên phong trong việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Nhóm P.V
.
.
.