Cơ hội để hàng nông nghiệp Việt lấy lại vị thế

Thứ Sáu, 18/09/2015, 09:46
Dù xuất khẩu nông nghiệp trong 8 tháng đầu năm 2015 có sự suy giảm nhưng nếu tìm ra nguyên nhân cũng như những giải pháp căn cơ thì nông nghiệp Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội để tăng chất lượng cũng như giá trị xuất khẩu hàng nông nghiệp.

Nguy cơ bất ổn từ suy giảm tăng trưởng nông nghiệp

Phát biểu tại Hội thảo “Thương mại nông nghiệp Việt Nam trong biến động của kinh tế Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 16/9, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng IPSARD nhấn mạnh: Thời gian qua, kinh tế thế giới biến động mạnh, gần đây nhất là sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã tác động lớn đến thương mại nông nghiệp Việt Nam. 

Với một “người khổng lồ” như Trung Quốc, khi kinh tế nước này biến động, kinh tế thế giới cũng “lao đao". Cùng với đó, các mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam cũng giảm năng lực cạnh tranh về giá khi các đối thủ cạnh tranh tìm cách “phá giá” như gạo của Ấn Độ, Thái Lan; cà phê từ Brazil, Colombia; tôm từ Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia; cao su từ Indonesia và Malaysia…

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Quyền Trưởng Bộ môn nghiên cứu thị trường và ngành hàng thuộc IPSARD, trong 25 năm sau đổi mới, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng có thành tựu nổi bật, tạo ra thặng dư thương mại Việt Nam, ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng toàn ngành bắt đầu đuối dần từ năm 2011, tụt hậu hơn so với các lĩnh vực khác, tụt hậu mạnh trong năm 2015. Sự tụt hậu này dẫn đến nguy cơ gây ra bất ổn xã hội, vĩ mô đối với kinh tế Việt Nam. 

Ông Kiên lý giải: Tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nông sản. Hiện nay, Việt Nam vẫn là nước có thặng dư về nông lâm thủy sản nhưng từ cuối 2014 đến nay, xuất khẩu nông nghiệp sụt giảm nhiều. Từ tháng 2/2015 xuất khẩu nông sản tăng nhưng không bù được sụt giảm. Đến tháng 7, 8 xuất khẩu nông sản tiếp tục suy giảm. Điển hình, xuất khẩu cà phê giảm tới 14% về lượng và 16% về giá trị, trong đó các thị trường chính đều giảm nhập khẩu. Xuất khẩu cao su tăng về lượng nhưng giảm giá trị. Thủy sản xuất khẩu giảm 16% về giá trị.

Nông sản Việt Nam được không ít thị trường ưa chuộng. Ảnh: CTV.

Đừng “đổ lỗi” cho thị trường Trung Quốc

Tuy nhiên, trước sự sụt giảm của xuất khẩu thủy sản trong năm nay dù chưa có tiền lệ, chuyên gia Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho thị trường Trung Quốc. Ông Dũng dẫn chứng, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm 7%. Không riêng gì thủy sản mà nhiều mặt hàng nông sản khác như hạt điều, hạt tiêu… cũng vậy. 

Theo ông Dũng, thị trường hiện tạm ổn và muốn đột phá giúp xuất khẩu tăng trưởng ổn định, chủ động và bền vững cần phải có sản phẩm mới, sản phẩm mạnh. Chẳng hạn như mặt hàng cá biển của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản. Cá biển nuôi rất có tiềm năng, có thể xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Nếu thu hút được khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư thì Việt Nam sẽ nuôi thành công cá biển và trong vòng 5 năm tới đạt sản lượng 1 triệu tấn với giá trị khoảng 5 tỷ USD và giá trị sản phẩm qua chế biến là  từ 7-9 tỷ USD. 

Một khó khăn khác, tuy xuất khẩu các mặt hàng gỗ hiện tăng trưởng 9,8% so với năm trước, nhưng ông Cao Xuân Thanh, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, ngành đang khó khăn về nguyên liệu gỗ. Mỗi năm phải nhập khẩu trên 4 triệum3. Trong khi đó, lượng gỗ khai thác rừng trồng có đến 60% dăm gỗ, xuất khẩu chính sang Trung Quốc.

Ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng, trong ngắn hạn, cần tận dụng thị trường Mỹ do tỷ giá đồng USD còn có mức giá cao. Cụ thể là khơi thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm từ gỗ. 

Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển chính ngạch thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng như sắn, rau quả, cao su, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm. Với mặt hàng gạo, cần kết nối nhanh chóng để có các hợp đồng xuất khẩu sang Indonesia, Philippines và Malaysia vì các nước này có thể thiếu hụt nguồn cung trong năm nay.

Bên cạnh đó, theo ông Kiên, cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất như tăng diện tích lúa chất lượng cao, tái canh cà phê theo tiến độ, bắt kịp với mức độ tái canh của các nước xuất khẩu lớn. Mặt khác, phải bằng mọi cách hiện đại hóa chuỗi giá trị rừng trồng, chấm dứt  xuất khẩu dăm, tăng chế biến thành phẩm…

Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, đối với những mặt hàng giá giảm như: Gạo, cà phê, tôm cần phải tính đến chuyện khôi phục năng lực cạnh tranh của Việt Nam hoặc tìm kiếm thị trường mới.

Chi Linh
.
.
.