Click chuột để đăng ký thành lập doanh nghiệp

Thứ Năm, 04/03/2010, 19:07
Đây là điểm mới nổi bật trong dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp vừa được các thành viên Chính phủ xem xét thông qua tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2/2010 (diễn ra trong ngày 2-3/3/2010).
Dự kiến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ký ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 88/2006/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh (ĐKKD) trong một ngày gần đây.

Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) vừa được các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua bao gồm 8 chương với 65 điều có một số điểm mới cơ bản sau:

Đăng ký qua mạng điện tử

Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiều thủ tục đăng ký rườm rà, quy định mới cho phép doanh nghiệp có thể chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ ĐKDN tới cơ quan ĐKKD qua mạng điện tử. Cũng qua mạng điện tử, cơ quan ĐKKD tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ, hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung hồ sơ và thông báo thời điểm nhận kết quả ĐKDN qua mạng điện tử. Hồ sơ ĐKDN nộp qua chương trình hỗ trợ ĐKDN thông qua mạng điện tử trên Hệ thống ĐKKD quốc gia có giá trị pháp lý như hồ sơ nộp bằng bản giấy.

Trường hợp người thành lập doanh nghiệp chưa có chữ ký điện tử, việc ĐKDN qua mạng điện tử vẫn có thể được thực hiện, bằng cách sau khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được chấp thuận trên Hệ thống thông tin đăng ĐKDN quốc gia, doanh nghiệp sẽ in Giấy xác nhận nộp hồ sơ ĐKDN qua mạng điện tử từ Hệ thống này.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên vào Giấy xác nhận nộp hồ sơ ĐKDN qua mạng điện tử và gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sau khi nhận được Giấy xác nhận này, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận ĐKDN cho doanh nghiệp.

Hợp nhất mã số ĐKKD và mã số thuế

Dự thảo quy định mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp. Mã số này đồng thời là mã số ĐKKD và mã số thuế của doanh nghiệp. Mã số doanh nghiệp tồn tại trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp và không được cấp lại cho đối tượng nộp thuế khác. Khi doanh nghiệp không còn tồn tại thì mã số doanh nghiệp chấm dứt hiệu lực và không được sử dụng lại. Mã số doanh nghiệp được lưu trên Hệ thống ĐKKD quốc gia và được ghi trên Giấy chứng nhận ĐKDN.

Mã số doanh nghiệp được dùng để kê khai nộp thuế cho tất cả các loại thuế, kể cả doanh nghiệp kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn khác nhau.

Thống nhất lệ phí trên toàn quốc

Hiện nay, Hội đồng nhân dân các tỉnh quy định mức lệ phí ĐKKD áp dụng cho tỉnh mình nên dẫn đến việc mức lệ phí ĐKKD không nhất quán giữa các tỉnh, thành phố. Do vậy, dự thảo Nghị định giao Bộ Tài chính hướng dẫn mức lệ phí ĐKDN để thống nhất thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, dự thảo Nghị định bổ sung quy định người thành lập doanh nghiệp phải nộp lệ phí ĐKDN tại thời điểm nộp hồ sơ ĐKDN. Lệ phí sẽ không được hoàn trả cho người thành lập doanh nghiệp ngay cả khi không được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN.

DN đã đăng ký trùng tên: không bắt buộc đổi tên

Hiện khá phổ biến tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh khác nhau lại có tên trùng nhau là bởi trong Nghị định số 88/2006/NĐ-CP trước đây không cấm việc các doanh nghiệp trùng tên, hoặc lấy tên dễ gây nhầm lẫn với doanh nghiệp ở tỉnh khác.

Theo chỉ đạo của Chính phủ về việc phải quy định việc chống trùng và nhầm lẫn tên doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc, dự thảo Nghị định mới quy định: Các doanh nghiệp đã đăng ký tên doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Nghị định số 88/2006/NĐ-CP nhưng có tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp khác không bị buộc phải đăng ký đổi tên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố trên Cổng thông tin doanh nghiệp Việt Nam danh sách các doanh nghiệp có tên trùng và gây nhầm lẫn. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tên trùng và tên gây nhầm lẫn tự thương lượng với nhau để đăng ký đổi tên doanh nghiệp.

Một bộ hồ sơ duy nhất, một đầu mối giải quyết

Theo dự thảo Nghị định, một bộ hồ sơ ĐKDN duy nhất gồm một Giấy đề nghị ĐKDN chứa đựng các thông tin ĐKKD, đăng ký thuế; một Giấy chứng nhận ĐKDN; một đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả là cơ quan ĐKKD thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Tại 5 thành phố có số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, UBND các thành phố này sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xem xét thí điểm chuyển cơ quan đăng ký kinh doanh sang hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu

Theo chinhphu.vn
.
.
.