Chuyện sinh viên đánh game thuê

Thứ Ba, 02/12/2008, 10:54
Mải mê Võ lâm truyền kỳ, Hà và Mạnh quên cả học và trở thành lính đánh thuê cho Minh. Mỗi tháng Minh trả cho Hà và Mạnh mỗi cậu 700 nghìn với một nhiệm vụ duy nhất là tham gia vào đội săn boss của Minh và đồ kiếm được phải do Minh hưởng, tiền chơi game không phải thanh toán.

Thời nay các trò game online và nhất là Võ lâm truyền kỳ (VLTK) đang làm náo loạn thị trường game online, thu hút rất nhiều người không kể già trẻ, trai gái. Là trò chơi ra đời sau nên Võ lâm truyền kỳ đã khắc phục được những điểm yếu mà các trò chơi ra đời trước gặp phải. Bên cạnh đó, đây là trò chơi được lấy bối cảnh của xã hội Trung Quốc thời phong kiến nên nó rất phù hợp với tâm lý của người Việt - và tâm lý của người Á Đông nói chung.

Quan trọng hơn là nó có thể kiếm ra tiền. Nó là một xã hội ảo, nơi mà người chơi có thể hoá thân vào nhân vật của mình để thực hiện những việc mà ở ngoài đời thực họ chưa thực hiện được.

1h30' ngày thứ năm vừa qua, chúng tôi làm cuộc dạo chơi tới những phố Internet nổi tiếng ở Hà Nội. Tuyến phố đầu tiên mà chúng tôi có mặt là Lương Thế Vinh, đây là con phố nằm gần với nhiều trường đại học trên địa bàn quận Thanh Xuân. Chính vì thế nên chỉ một đoạn phố trên dưới 200m đã có tới khoảng vài chục quán game, Internet phục vụ cho nhu cầu của sinh viên, trong số đó có rất nhiều người là đệ tử ruột của VLTK.

Chúng tôi gõ cửa một quán đối diện với cổng của ký túc xá Mễ Trì (Trường ĐHQG Hà Nội), ông chủ quán ló đầu ra hỏi có việc gì. Khi biết chúng tôi muốn chơi game, ông liền vui vẻ mở của cho chúng tôi vào.

Khác với vẻ im ắng bên ngoài, trong quán lúc này đang rất náo nhiệt, đa số họ đều còn rất trẻ, có cả trai lẫn gái, tôi đoán họ đều là sinh viên. Họ đang say sưa cho nhân vật của mình "tầm sư học nghệ" và cứ mỗi lần nhân vật của mình được nâng lên một cấp học họ lại reo lên sung sướng. Tôi ngồi xuống bên cạnh một cậu con trai đeo kính cận dày cộp và bắt chuyện: "Con của ông phái gì?". "Thiên Nhẫn" - cậu ta trả lời. "Cấp bao nhiêu rồi?" "Hơn 100".

Rồi cậu bắt đầu nói cho tôi biết cậu chơi VLTK kể từ khi trò chơi này mới chỉ là bản thử nghiệm đến nay cũng gần 2 năm. Trước đây cậu đánh con Thiếu Lâm đến cấp 98 thì bán được hơn 2 triệu đồng. "Sao không giữ con Thiếu Lâm mà chơi lại đổi sang Thiên Nhẫn làm gì?" - tôi hỏi. "Thiên Nhẫn dùng để săn boss kiếm đồ, chơi nhưng phải kiếm ra tiền thì mới khoái chứ".

Rồi cậu lại bắt đầu kể về những món hàng mà mình đã từng nhặt được như chiếc dây chuyền 18% may mắn được bán với giá hơn 1 triệu… Nhưng theo cậu thì đó cũng chỉ là những đồ vật bình thường, có những người nhặt được những chiếc dây chuyền mà giá trị của nó có thể lên tới chục triệu. "Ai lại thừa tiền mà đi sắm cái thứ hàng ảo này?" - tôi hỏi.

"Nhiều chứ anh, đa phần họ đều là giám đốc, ông chủ này nọ hay chí ít cũng là con nhà giàu và mê VLTK. Họ bỏ tiền ra đầu tư quần áo, trang sức cho nhân vật cũng như đầu tư cho chính bản thân họ vậy. Chính vì thế nên một số ông chủ cửa hàng Internet thuê hẳn một đội ngũ "lính đánh thuê" khoảng 5 người, nhiệm vụ của những người này là tập trung thành đội đi săn boss và kiếm hàng.

Những người này không mất tiền chơi game mà mỗi tháng lại còn được ông chủ cửa hàng chia cho khoản hoa hồng kha khá. Em có hai thằng bạn cùng quê lên đây học xây dựng nhưng cả hai đều bảo lưu kết quả cả rồi. Ngay bản thân em cũng dứt mấy môn không biết có trả nợ xong không".

Qua lời giới thiệu của Thanh - cậu sinh viên mà tôi vừa nhắc tới trên - chúng tôi có mặt tại một cửa hàng Internet ở Kim Giang, nơi mà hai người bạn của cậu đang là lính đánh thuê. Chủ của cửa hàng Internet này tên Minh, cũng đang là sinh viên. Khi nghe chúng tôi hỏi muốn gặp Hà và Mạnh thì Minh như sáng mắt, chắc cậu ta tưởng chúng tôi cũng là đệ tử của VLTK nên đến đây để mua đồ. Cậu ta vồ vập hỏi ngay: "Hai bác cần mua đồ à?". Biết được mục đích của chúng tôi, mặt Minh tiu nghỉu, cậu ta quay vào trong quán gọi Hà và Mạnh cho chúng tôi gặp.

Hà và Mạnh đều là dân Bắc Giang xuống Hà Nội học đại học nhưng vì mải mê với VLTK nên cả hai đều bỏ học quá nhiều dẫn đến không được thi và đành chờ năm sau học tiếp. Hà bảo rằng mỗi tháng Minh trả cho Hà và Mạnh mỗi cậu 700 nghìn với một nhiệm vụ duy nhất là tham gia vào đội săn boss của Minh và đồ kiếm được phải do Minh hưởng, tiền chơi game không phải thanh toán.

Vừa được chơi lại kiếm ra được tiền nên hai cậu càng ngày càng lún sâu vào cái thế giới ảo đó. Đêm thì thức trắng cùng VLTK, ngày thì ngủ, còn thời gian đâu mà nghĩ tới việc học nữa. Không biết rồi tương lai của họ sẽ ra sao khi mà quá đam mê vào trò chơi  như thế này.

Trên thực tế, vì mê game mà rất nhiều người bị đuổi học như trường hợp của Đặng Văn Tâm, học trường ĐHKHXH&NV. Chuyện của Tâm cũng thật lâm li, vốn là lính đánh thuê cho các ông chủ, đến nỗi quên cả ăn chứ đừng nói đến việc học.

Đã rất nhiều lần nhà trường nhắc nhở và cảnh cáo, thậm chí là cô giáo chủ nhiệm báo kết quả học về với gia đình cậu về việc cậu bỏ học để chơi game. Có hôm lên lớp thì mắt cậu sưng húp, ngủ gà ngủ gật rồi lại trốn về. Nhiều bạn ở cùng cho biết, Tâm thường xuyên bỏ học đã đành còn rủ bao nhiêu bạn bè cùng lao vào cuộc chơi bán rẻ tương lai. Vì quá đam mê chăng, hay là chán đời để lao vào con đường sa đọa từ game?

Một phần do các sinh viên "nghiện" đến khốn khổ, một phần nữa là quá nhiều người bỏ tiền ra để thuê đánh giúp. Nghiện game bây giờ đang là một tệ nạn của giới trẻ mà chưa ai có thể đưa ra giải pháp ngăn cản hữu hiệu, trừ khi họ thấy mình đang đầu tư vô bổ vào trò chơi nhảm nhí và bán rẻ sự học, tương lai của mình thì may ra mới tỉnh ngộ

Thành Văn
.
.
.