Chuyển giao công nghệ khí canh để nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu

Chủ Nhật, 27/12/2020, 08:00
Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ TP HCM vừa tổ chức sự kiện hợp tác công nghệ "Quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh", tạo điều kiện cho các đơn vị có công nghệ và các doanh nghiệp có nhu cầu cùng trao đổi hợp tác chuyển giao.

"Quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh" do Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành nghiên cứu, ứng dụng thành công trong nhân giống và sản xuất sinh khối dược liệu cây đinh lăng và cây thìa canh. Quy trình cũng được ứng dụng trên một số cây trồng khác như khoai tây, xà lách, cà rốt, cà chua vv…

Theo GS.TS. Nguyễn Quang Thạch - Chủ nhiệm đề tài, quy trình nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh tiến hành trong điều kiện nhà màng, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, nên có thể nhân nhanh một số cây dược liệu quanh năm. Công nghệ khí canh mang lại chất lượng cây giống tốt, đồng đều, sản lượng cây giống lớn, hệ số nhân giống cao, tỷ lệ chồi ra rễ cao (đạt 96%) và tỷ lệ sống của cây con cao vượt trội (đạt 95%) so với các công nghệ khác.

Rễ cây đinh lăng trên hệ thống khí canh.

Nhóm tác giả đã nghiên cứu ứng dụng thành công kỹ thuật khí canh trong nhân giống và tạo sinh khối cây trồng, với cây khoai tây có hệ số nhân đạt 25 lần/vụ và sản xuất được khoai tây trái vụ ở đồng bằng sông Hồng. Với cây dược liệu, ứng dụng thành công trong nhân giống và sản xuất sinh khối dược liệu cây đinh lăng và cây thìa canh. Công nghệ này giúp sản xuất giống đinh lăng sạch bệnh với hệ số nhân giống vượt trội: chỉ sau 7 tháng đầu, tính từ ngày đưa cây vào bồn mạ, có thể thu được lượng cây con là 1.200 cây/20 cây/m2, đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Số cây con nhân giống bằng công nghệ khí canh có thể thu được trong 1 năm lên tới 2.400 cây/20 cây/m2.

Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ khí canh cho chất lượng cây giống tốt, đồng đều, tỷ lệ sống cao (95%), cây sinh trưởng phát triển tốt, có thể nhân giống cây đinh lăng đạt hiệu quả cao ở quy mô lớn; cây thìa canh có hệ số nhân cao (đạt 20 cành giâm/tháng/cây).

Cây dược liệu thìa canh ứng dụng công nghệ khí canh.

Ngoài ra, có thể sử dụng hệ khí canh cải tiến vòi phun, chế độ phun, hàm lượng nitơ trong dung dịch dinh dưỡng có thể làm tăng sinh khối rễ và thân lá cây thuốc. Khi trồng trên hệ thống khí canh với đinh lăng có thể đạt năng suất sinh khối thực thực thu 2,2 kg/m2 sau 90 ngày (tăng 218,8% so với đối chứng). Ứng dụng công nghệ khí canh cho giá thành sản xuất cây giống 2 loại cây dược liệu đinh lăng và thìa canh thấp (tương ứng là 1.222 đồng/cây và 501 đồng/cây), dễ được thị trường chấp nhận.

Quy trình tự động, khép kín còn giúp kiểm soát tốt môi trường dinh dưỡng và dịch bệnh trong nhân giống và sản xuất sinh khối theo quy mô lớn với nhiều ưu việt: Môi trường hoàn toàn sạch bệnh: chu trình khép kín từ trồng đến thu hoạch; điều khiển được sinh trưởng phát triển của cây thông qua điều khiển môi trường nuôi trồng; tăng hệ số nhân, tăng năng suất cây trồng; giảm chi phí về nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; kết hợp công nghệ tin học, sinh học và tự động hóa.

Quy trình nhân giống bằng khí canh vận hành tự động, khép kín giúp kiểm soát tốt các yếu tố dinh dưỡng, pH, nhiệt độ và dịch bệnh cho cấy giống; sản lượng cao và chất lượng cây giống tốt; cây con sau khi đạt tiêu chuẩn xuất vườn có thể sử dụng hệ thống khí canh để tiếp tục trồng nhằm mục tiêu thu sinh khối (thân lá, rễ, củ) đem lại hiệu quả và năng suất cao, phù hợp với đối tượng cây dược liệu; chi phí đầu tư và nhân công thấp.

Công nghệ nhân giống bằng khí canh là bước đột phá trong lĩnh vực nhân giống cây trồng, công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Công nghệ này tích hợp công nghệ sinh học, tin học và tự động hóa, có thể thay thế phương pháp nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào do có lắp đặt hệ thống lọc khử trùng dung dịch và không khí buồng trồng. Hàng trăm loài cây trồng đã được nghiên cứu nhân giống và thương mại hóa thành công bằng phương pháp này, đặc biệt hiệu quả đối với những cây có khả năng ra rễ kém. Vì vậy, việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ, cải tiến và áp dụng thành công ở Việt Nam là vấn đề hết sức cần thiết.

Tại sự kiện kết nối, các doanh nghiệp có nhu cầu được chuyển giao công nghệ đã cùng trực tiếp trao đổi với Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành các phương án hợp tác, chuyển giao công nghệ, hình thành nhiều ghi nhớ hợp tác chuyển giao quy trình nhân giống vô tính cây giống dược liệu, rau ôn đới và sản xuất sinh khối cây dược liệu bằng công nghệ khí canh.

Ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác 3 bên tại sự kiện.

Ngay tại chương trình, ba đối tác cùng tham dự sự kiện đã đề xuất các phương án hợp tác chuyển giao quy trình nhân giống cây dược liệu bằng công nghệ khí canh và cung cấp cây giống, phân hữu cơ sạch. Theo đó, phương án này sẽ khai thác, phát triển các sản phẩm từ cây đinh lăng, cây sachi (như nước đinh lăng, trà đinh lăng, chế biến dầu sachi và các sản phẩm thực phẩm chức năng, dược liệu từ cây sachi) để mang lại lợi ích kinh tế cho các bên. 

Phương án hợp tác nghiên cứu sử dụng dung dịch dinh dưỡng dưới dạng hữu cơ trong công nghệ khí canh; xây dựng quy trình khí canh canh tác dâu tây và các loại hoa trong điều kiện khí hậu bán nhiệt đới qua việc xây dựng mô hình nhà màng ứng dụng tổng hợp các yếu tố công nghệ thích hợp để canh tác cây bán nhiệt đới, cụ thể là trồng cây dâu tây, hoa cẩm chướng, lan hồ điệp trong điều kiện ở TP.HCM.

Mô hình này sẽ giúp mang lại lợi ích kép cho người nông dân khi bán được sản phẩm tại chỗ và hình thành vùng du lịch sinh thái, phục vụ các hoạt động tham quan, thưởng thức tại chỗ các vườn hoa, vườn dâu tây cho người dân TP.HCM. Đồng thời cung cấp các sản phẩm đảm bảo đúng tiêu chuẩn sạch, an toàn nhờ sử dụng dung dịch dinh dưỡng dưới dạng hữu cơ trong công nghệ khí canh.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới -  đánh giá chương trình hợp tác công nghệ do Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức là một mô hình liên kết rất hay, giúp đưa các công nghệ mới vào phát triển mạnh ngành nông nghiệp.

“Cây dược liệu có giá trị kinh tế rất cao, nhưng chưa được chú trọng. Việc quản lý chủ yếu tập trung vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gần đây mới đánh giá giá trị cây dược liệu, nhưng chưa có sự chuẩn bị tốt. Trong đó, vai trò của khâu liên kết rất quan trọng nhưng lại còn rất yếu. Mô hình liên kết như chương trình Hợp tác công nghệ của Sàn giao dịch Khoa học và Công nghệ TP HCM sẽ giúp hình thành các liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành để cùng phát triển” - TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh.

Hiện nay tỷ trọng cây dược liệu ở Việt Nam còn thấp, nên các đơn vị tham gia chương trình hợp tác công nghệ để cùng liên kết, ứng dụng công nghệ, phát triển cây dược liệu là một hướng đi rất hay. Vì vậy, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng các doanh nghiệp đang sản xuất cây dược liệu có thể cùng hợp tác, ứng dụng công nghệ để mở rộng vùng trồng cây sachi  - loại cây có hàm lượng omega 3 rất cao, đã được trồng thành công ở Củ Chi – và việc nhân rộng mô hình trồng cây này sẽ đem lại lợi nhuận lớn.

Lam Vân
.
.
.