Chương trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn nợ đọng hơn 9.600 tỷ đồng
- Hoa Lư đón nhận danh hiệu huyện nông thôn mới đầu tiên của cả nước theo tiêu chí mới
- Giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng nông thôn mới trước 2019
- Công an TP Cần Thơ xây cầu nông thôn mới, tặng mái ấm tình thương
Đến hết năm 2016, cả nước có 2.358 xã đạt 19 tiêu chí, tăng thêm 1,43% so với mục tiêu năm 2016. Hiện còn 257 xã mới đạt dưới 5 tiêu chí (giảm 69 xã so với cuối năm 2015). Đã có 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trước đó, báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10-2016 cho biết: Đến thời điểm đó đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt.
Về nguồn lực, đã huy động được trong năm 2016 khoảng 228.398 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 7.374 tỷ đồng (3,2%). Đáng chú ý nhất là xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cũng có bước chuyển biến đáng ghi nhận. Tổng hợp nhanh của 25 tỉnh có số nợ lớn, đến nay có 17 tỉnh đã giảm được 5.624 tỷ đồng (36,8%). Tổng nợ còn lại đến tháng 12-2016 là khoảng 9.654 tỷ đồng so với mức 15.277 tỷ đồng vào đầu năm 2016.
Các địa phương vẫn còn nợ đọng xây dựng cơ bản chương trình nông thôn mới hơn 9.600 tỷ đồng. |
Để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, các địa phương vẫn nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Tại thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát, có 53/63 tỉnh/thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc.
Đáng lưu ý, số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc (Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, chiếm 75,3% tổng số nợ đọng), là khu vực có phong trào xây dựng nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận nông thôn mới chiếm đến 46,9% số nợ.
Qua giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tổng kết 7 bài học kinh nghiệm, từ việc phải coi trọng công tác xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở; phát huy cách làm chủ động, sáng tạo, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, tránh nôn nóng chạy đua thành tích; đề cao vai trò giám sát của cộng đồng dân cư; gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp để nâng cao thu nhập và đời sống người dân... đặc biệt là cần có giải pháp huy động và bố trí nguồn lực hợp lý để đạt mục tiêu và cần thường xuyên sửa đổi Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để phù hợp với đặc điểm từng địa phương.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ khẩn trương có văn bản hướng dẫn Bộ tiêu chí nông thôn mới gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung vào cẩm nang hướng dẫn, làm căn cứ để các tỉnh quyết định thực hiện cụ thể trên từng địa bàn, hoàn thành trong quý I năm nay.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện thông qua các hình thức lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn trực tiếp; tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao; công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua.
Về cơ chế để lại 80% tiền bán đất cho xã, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp xem xét, báo cáo Thủ tướng theo hướng giao tỉnh điều tiết cụ thể, hoàn thành trong quý I này.