Chuẩn bị ba kịch bản xuất khẩu và tiêu thụ vải thiều
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2020, tỉnh có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; trong đó vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 hai, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng.
Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp. Trong đó, có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103 ha thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa của huyện Tân Yên. Vải sớm thu hoạch từ ngày 20/5 đến 5/6, vải thiều chính vụ thu hoạch từ 10/6.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang. |
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, công tác chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản đã được hoàn thành. Về tiêu thụ vải thiều, phương châm của địa phương là tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, trước hết là đối với những thị trường truyền thống, trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân và doanh nghiệp đến kết nối thu mua vải thiều.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản cụ thể đối với tiêu thụ vải thiều, đồng thời mong muốn các Bộ ngành liên quan cùng hỗ trợ địa phương trong công tác xuất khẩu. Cụ thể, tỉnh Bắc Giang xây dựng 3 kịch bản, kịch bản thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu sang các thị trường, các thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được.
Kịch bản thứ ba là khó khăn nhất là không xuất khẩu được. Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh COVID-19 đó là đặc biệt coi trọng thị trường nội địa trong nước, tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 cái kịch bản này trong mọi tình huống chủ động tốt nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm. Thị trường trong nước là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân, khai thác tốt thị trường trong nước thì sản lượng vải của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra.
Tại buổi làm viêc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vụ vải năm nay sẽ còn chịu tác động tiêu cực bởi hai yếu tố, đó là diễn biến thời tiết bất thuận có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, giảm giá trị; dịch COVID-19 sẽ gây gián đoạn thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao về cơ cấu mùa vụ vải của Bắc Giang với 30% diện tích vải vụ sớm cùng với 3 kịch bản cho sản xuất, xuất khẩu, tuy nhiên tỉnh cần tiếp tục rà soát kỹ hơn các kịch bản.
Bắc Giang cần chú ý kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật để đảm bảo năm nay tiếp tục có vụ vải được mùa, được giá. Bộ NN&PTNT đã chủ động làm việc với các tỉnh, TP về tiêu thụ nông sản, đặc biệt tỉnh Bắc Giang, địa phương chiếm đến 50 % tổng sản lượng vải cả nước để xây dựng những nhóm giải pháp tích cực, chủ động nhất phấn đấu năm nay tiếp tục là một năm “vải được mùa, được giá”.
Về đàn lợn, tỉnh Bắc Giang hiện đang có 900.000 con, tăng trên 279.000 con, đạt 81,5% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh đã chủ động tái đàn. Ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn các địa phương tái đàn hợp lý, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh có chính sách ưu tiên tín dụng, ngân hàng có chính sách tín dụng ưu tiên cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tỉnh Bắc Giang có tốc độ tái đàn tốt, dự kiến đến quý III/2020 tỉnh sẽ có đàn lợn đạt như trước dịch. Nhưng tỉnh đang mất cân đối về cơ cấu trong sản xuất, đó là tái đàn đang tập trung ở các doanh nghiệp lớn do họ giữ lại con giống, còn các trang trại, hộ nuôi tái đàn thiếu giống, giá giống cao. Tỉnh cần có chính sách, cơ chế để điều chỉnh cơ cấu này và có thêm các chính sách hỗ trợ cho nông dân, trang trại tái đàn lợn.