Chưa thể kiểm soát thuốc lá lậu tràn vào từ biên giới

Chủ Nhật, 05/10/2014, 14:55
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt chống thuốc lá lậu, bởi tình trạng này đang diễn ra nghiêm trọng, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều đợt cao điểm đã mở ra tại cả tuyến biên giới và nội địa.

Tuy nhiên, do chênh lệch giá cao, lợi nhuận lớn nên các đối tượng buôn lậu bất chấp mọi thủ đoạn và cũng không tiếc tiền trang bị phương tiện – thậm chí còn hiện đại hơn lực lượng chức năng, thuê người địa phương vận chuyển lẻ vào nội địa. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu vẫn lớn, bởi giá rẻ và được người hút thuốc ưa chuộng. Bởi vậy, hiện nay vẫn không thể kiểm soát xuể lượng thuốc lá lậu từ biên giới tràn vào.

Tại An Giang – điểm nóng về buôn lậu thuốc lá của cả nước vào thời điểm này, trong khoảng 8h tối đến 3h sáng, lúc nào cũng có thể gặp từng đoàn “nài” thuốc lá lậu (còn được ví như “ma tốc độ”) phóng như bay trên đường. Theo nhận định của lực lượng chức năng, lượng thuốc lá lậu này trước đó được vận chuyển từ nội địa Campuchia bằng đường thủy, sau đó tập kết trong những kho hàng của người Campuchia ở khu vực chợ gò Tà Mâu, thuộc địa phận tỉnh Tà Keo, Campuchia. Từ đây, thuốc lá lậu được vận chuyển bằng xe máy, theo hàng chục đường mòn vào Việt Nam. Vào mùa nước nổi, khi những cánh đồng khu vực biên giới bị ngập nước, các đối tượng lại lợi dụng đồng nước, kênh rạch, vận chuyển thuốc lá nhập lậu bằng xuồng máy tốc độ cao… Hình thức vận chuyển tương tự như thế cũng thường xuyên diễn ra ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp - nơi có đường biên giới giáp với Campuchia, hay Quảng Trị (khu vực biên giới Việt - Lào), Móng Cái, Quảng Ninh (biên giới với Trung Quốc).

Trên thị trường nội địa, nóng bỏng nhất là thị trường TP. Hồ Chí Minh. Địa bàn này chiếm gần 50% lượng thuốc lá nhập lậu trên cả nước với hàng trăm tụ điểm thuốc lá lậu. Nổi cộm nhất là khu vực phố Học Lạc với hơn 60 điểm kinh doanh thuốc lá và hàng chục đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu hoạt động. Ông Nguyễn Trọng Tín - Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) phân tích, vì lợi nhuận từ thuốc lá lậu rất cao nên các đầu nậu sẵn sàng bỏ tiền thuê “chim lợn” theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của lực lượng kiểm tra tại trụ sở cơ quan, tại nơi đóng chốt. Bất cứ sự di chuyển nào của lực lượng kiểm tra đều được theo dõi báo về cho đầu nậu để đối phó. Trong quá trình vận chuyển, các đầu nậu tổ chức các nhóm theo dõi lực lượng chức năng, dùng xe gắn máy chạy với tốc độ cao, sử dụng thiết bị liên lạc hiện đại để cảnh giới hoặc đi theo hộ tống và sẵn sàng cản trở, chống đối lực lượng kiểm tra để giật lại hàng…

Theo báo cáo, từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 7.935 lượt, xử lý 4.712 vụ buôn lậu thuốc lá, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 14 tỷ đồng, tịch  thu  hơn 1 triệu bao thuốc lá các loại, thu giữ 8 ôtô, 432 xe máy, 7 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan Công an khởi tố 21 vụ.

Một vụ buôn bán thuốc lá lậu bị bắt giữ.

Trước tình hình thuốc lá lậu diễn biến ngày càng phức tạp, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và sức khỏe của người dân, từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo lực lượng chức năng trên cả nước tăng cường xử lý. QLTT Hà Nội đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị kinh doanh thuốc lá trên địa bàn.

QLTT tỉnh Long An đã phối hợp với các lực lượng chức năng tại các huyện biên giới triển khai đồng loạt nhiều điểm chốt chặn, tuần tra cơ động, thường xuyên trên một số luồng, tuyến buôn lậu trọng điểm ở biên giới và trong nội địa. Nhờ đó, các đối tượng vận chuyển qua biên giới đã không dám vận chuyển với số lượng lớn, mà co cụm lại chuyển sang hình thức nhỏ lẻ, cõng vác bộ, dùng xe gắn máy 2 bánh để dễ luồn lách tránh né các lực lượng kiểm tra.

Với địa bàn có “thâm niên” về tiêu thụ lượng lớn thuốc lá nhập lậu như TP.HCM, các đội thường xuyên bố trí cán bộ nghiên cứu, nắm chắc quy luật hoạt động, phương tiện, địa điểm, thời gian của các đối tượng buôn lậu; tổ chức kiểm tra đột xuất, ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi vi phạm hành chính, tẩu tán tang vật, phương tiện vi phạm…

Với sự phối hợp vào cuộc quyết liệt của lực lượng QLTT, hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu trên thị trường nội địa không còn công khai như trước. Tuy nhiên, ông Tín cho rằng, hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu như “cơn sóng ngầm” có thể bùng lên bất cứ lúc nào nếu lực lượng chức năng lơ là, mất cảnh giác. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên liên tục.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng phải thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức thực thi; xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại. Mới đây nhất, đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đã ra chỉ thị về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, chỉ đạo các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an điều tra, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu.

Nam Phương
.
.
.