Chưa tận dụng hết ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do

Thứ Năm, 30/03/2017, 10:50
Sáng 29-3, Bộ Công Thương đã tổ chức công bố Báo cáo tổng thể về hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước năm 2016. Đây là lần đầu tiên báo cáo này được công bố với những thông tin mang tính tổng thể, hệ thống, trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chững lại.


Với tham vọng “không chỉ đưa ra các số liệu khô khan”, bản báo cáo xuất bản thường niên (kể từ năm nay) này sẽ trở thành “sách trắng” về tình hình xuất nhập khẩu, “gối đầu giường” của các Hiệp hội, doanh nghiệp và những người làm chính sách.

Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, báo cáo sẽ có thêm những nhận định tổng quan, những phân tích về tình hình xuất nhập khẩu với các nhóm mặt hàng, các thị trường cụ thể, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng như tình hình tận dụng các FTA của DN…

Năm 2016, xuất nhập khẩu không đạt kế hoạch đặt ra từ đầu năm (chỉ tăng trưởng 9% so với kế hoạch 10%) với kim ngạch đạt 176,6 tỷ USD. Đây là một kết quả tồi so với thành tích xuất khẩu của Việt Nam nhiều năm gần đây.

Hàng hóa Việt Nam đang đối mặt với 100 vụ việc phòng vệ thương mại trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho rằng, xét trong bối cảnh khó khăn chung, Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng đó cũng là “đáng khích lệ”, thậm chí là “bước tiến vượt bậc” nếu đặt trong cả quá trình, bởi: Khi mới gia nhập ASEAN, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam chỉ đạt hơn 5 tỷ USD, sau hơn 20 năm đã tăng hơn 20 lần. Khi mới gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu cả nước chỉ đạt 50 tỷ USD, sau 10 năm đã tăng hơn 3 lần. Con số tăng trưởng còn đáng ghi nhận trong bối cảnh hàng loạt thị trường lân cận đều có sự sụt giảm, giá nhiều mặt hàng giảm sâu.

Tại báo cáo này, Bộ Công Thương đã điểm lại tình hình tận dụng ưu đãi từ các FTA của DN Việt Nam. Theo đó, tổng kim ngạch tận dụng được các loại ưu đãi năm 2016 đạt 26,6 tỷ USD, chiếm 36,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có FTA. Tính chung, tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2016 là 36%, cao hơn năm 2015 là 2%, nhưng vẫn là một tỷ lệ rất thấp.

Về phòng vệ thương mại, tính đến hết 2016, hàng hóa Việt Nam đang phải đương đầu với hơn 100 vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài tiến hành và áp dụng. Mỹ là nước điều tra Việt Nam nhiều nhất với 19 vụ, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ với 14 vụ, Ấn Độ 14 vụ và EU 12 vụ.

Các mặt hàng bị điều tra rất đa dạng, từ những mặt hàng có kim ngạch hàng trăm triệu USD như sắt, thép, sợi... đến các mặt hàng nhỏ như pin khô, bộ đồ ăn bằng nhựa... Ngược lại, Việt Nam mới chỉ tiến hành 6 vụ phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam, chủ yếu là tôn, thép.

Tuy bản báo cáo đã được thực hiện khá công phu với hơn 200 trang, nhưng theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, báo cáo này chưa toàn cảnh khi chưa đánh giá được con số hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, đặc biệt là xuất nhập khẩu lậu ở 1 số ngành hàng có tính nhạy cảm...

Vũ Hân
.
.
.