Chưa hề có cảnh báo về hàng nhiễm độc trên thị trường

Thứ Hai, 08/06/2009, 16:23
Dù báo Trung Quốc đăng tải thông tin, gần một nửa mặt hàng quần áo, đồ chơi và đồ dùng trẻ em được sản xuất tại Quảng Đông, Trung Quốc không an toàn nhưng người tiêu dùng Việt Nam lại không hề nhận được một sự cảnh báo, tư vấn nào từ phía các cơ quan chức năng.
>> Tránh cho trẻ em nhiễm độc từ đồ chơi

Một tuần sau khi thông tin về hàng hóa xuất xứ Quảng Đông (Trung Quốc) nhiễm chất formaldehyde vượt mức cho phép được đăng tải, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 127 TW mới chính thức có văn bản đề nghị tổng kiểm tra các sản phẩm may mặc và tiêu dùng, nhất là quần áo, đồ chơi trẻ em nhập ngoại đang lưu hành trên thị trường Việt Nam. Gần 10 ngày qua, khi người tiêu dùng (NTD) hoang mang lo lắng thì nhiều cơ quan liên quan cũng bối rối không kém, phản ứng bị động và chưa làm hết trách nhiệm.

Quần áo trẻ em Trung Quốc ngập tràn tại chợ Móng Cái (Quảng Ninh). Ảnh PV.

Không thể buộc người dân phải trở thành những NTD thông thái, bởi lẽ họ không thẩm định được chất lượng các sản phẩm đang bày bán trên thị trường chỉ thuần túy bằng cảm quan, dựa vào cảm tính, Tiến sỹ Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) khẳng định. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng thiết lập hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng và độ an toàn của hàng ngoại nhập, kể cả nhập theo đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Thêm nữa, khi xuất hiện thông tin về hàng hóa kém chất lượng, thậm chí chứa chất độc hại gây ảnh hưởng cho sức khỏe của người dùng có nguy cơ xâm nhập vào thị trường nước ta, các cơ quan chức năng cần lên ngay kế hoạch rà soát, kiểm tra và thông tin kịp thời giúp người dân nhận biết, tránh tạo nên tâm lý bất an cho số đông, Tiến sỹ Hồ Tất Thắng nhấn mạnh.

Theo Ban chỉ đạo 127 TW, ngày 28/5, tờ China Daily đã đăng tải thông tin: Cơ quan Giám sát chất lượng và Công nghệ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đưa ra kết quả điều tra với gần một nửa mặt hàng quần áo, đồ chơi và đồ dùng trẻ em được sản xuất tại Quảng Đông, Trung Quốc không an toàn vì chứa lượng hóa chất formaldehyde, một tác nhân gây ung thư vượt mức cho phép, gây ảnh hưởng đến sức khỏe NTD.

Trước những thông tin như thế, đông đảo NTD Việt Nam hết sức băn khoăn, lo ngại vì một lượng lớn sản phẩm quần áo, đồ chơi trẻ em đang ngập tràn trên thị trường có xuất xứ Quảng Đông. Mặc dù vậy, NTD lại không hề nhận được một sự cảnh báo, tư vấn nào từ phía các cơ quan chức năng. Thậm chí, các cơ quan liên quan còn đùn đẩy cho nhau, không ngành nào đứng ra tiên phong nhận lãnh trách nhiệm lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra, phân tích và đưa ra khuyến cáo.

Trao đổi với PV Báo CAND, một cán bộ Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội không muốn nêu tên, cho biết: Lực lượng QLTT chỉ kiểm tra hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Trách nhiệm quản lý về nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng là của Bộ KH&CN. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm, rau củ quả, gia súc gia cầm… Kiểm tra nồng độ hóa chất gây hại cho sức khỏe con người trong hàng hóa là công việc của ngành Y tế. Lực lượng QLTT không có phương tiện thiết bị để làm việc này và cũng chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng mà đây là công việc của ngành Y tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu cũng cho rằng: Các lượng chức năng như Hải quan, Bộ đội Biên phòng… chịu trách nhiệm kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu đã nỗ lực hết sức, nhưng cũng khó lòng ngăn chặn được hàng kém chất lượng, hàng lậu tràn vào do đường biên giới đất liền của nước ta quá dài và trải rộng trên nhiều địa bàn, tỉnh thành…

Một cán bộ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) lại phản bác: Mặt hàng nào được sản xuất ra cũng phải có tiêu chuẩn chất lượng do doanh nghiệp công bố. Hàng hóa nhập khẩu cũng thế, luôn có tiêu chuẩn chất lượng ghi trên nhãn kèm theo.

Những tranh cãi kiểu như thế càng khiến NTD dấy lên mối quan ngại: Cơ quan nào, đơn vị nào sẽ đứng ra làm đầu mối, chủ động kiểm soát chất lượng và độ an toàn của hàng hóa nhập khẩu trên thị trường? Tuy nhiên, ngày 4/6, Ban chỉ đạo 127 TW đã có Văn bản 46/BCĐ về việc kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm may mặc và hàng tiêu dùng do nước ngoài sản xuất không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn. Hy vọng, thông tin về kết quả của đợt kiểm tra này sẽ sớm được thông báo rộng rãi đến toàn thể NTD trong nước.

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Dự thảo Luật Bảo vệ NTD (lần 4) đã được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của đông đảo người dân từ ngày 3/6 đến hết ngày 3/8/2009. Sau khi tổng hợp những ý kiến góp ý, chỉnh sửa, từ tháng 9 đến tháng 12/2009, Dự thảo Luật được trình lên Chính phủ và dự kiến trình Quốc hội vào kỳ họp đầu tiên của năm 2010.

N.H.S.
.
.
.