Chưa đưa giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá

Thứ Hai, 08/12/2014, 08:10
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc đưa giá cước vận tải vào danh mục hàng bình ổn giá. Theo đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng trước mắt, việc bình ổn giá cước vận tải là chưa cần thiết.

Về vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây là giá nhiên liệu liên tục giảm, nhưng giá cước vận tải chỉ giảm nhỏ giọt, thậm chí có DN vận tải vẫn không giảm giá, vị Bộ trưởng quản lý Ngành Giá cho rằng không cần đưa giá cước vận tải vào danh mục bình ổn giá như đề xuất của Bộ Giao thông vận tải. “Quan điểm là điều hành giá theo pháp luật. Hiện chúng ta có Luật Giá, trong đó, giá cước không nằm trong danh mục bình ổn giá... Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi để điều hành, nhưng trước mắt là chưa cần thiết bổ sung vào danh mục hàng bình ổn giá”, Bộ trưởng Dũng khẳng định.

Thường vào thời điểm cuối năm - ngành giữ túi tiền quốc gia - Bộ Tài chính sẽ phải bận rộn cân đối các khoản thu để cân đối ngân sách hợp lý. Song mới đây, cơ quan này đã công bố 11 tháng đầu năm, ngân sách đã đạt được chỉ tiêu của cả năm. Đây là một kết quả rất khả quan, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn. Lý giải về điều này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13, Chính phủ đã báo cáo với Quốc hội dự kiến NSNN năm 2014 vượt 63,7 ngàn tỷ, tăng 12,3% so với dự toán QH thông qua.

Tuy nhiên, ngành Tài chính gặp không ít khó khăn do giá dầu thế giới giảm 30% trong vòng 6 tháng qua. Ước tính là 1 USD giảm của 1 thùng dầu thô, Ngân sách Việt Nam sẽ giảm tương ứng 1.000 tỷ đồng. Để “đối phó” với thực tế này, hai tháng qua, Bộ Tài chính đã liên tục theo dõi, cập nhật tình hình diễn biến của giá dầu thế giới, và trong công tác điều hành giá dầu trong nước, thường xuyên phối hợp với Bộ Công thương điều hành giá xăng dầu phù hợp với cơ chế thị trường. Để giải quyết khó khăn cho 2015, Bộ Tài chính sẽ tập trung phối hợp với các ngành, các cấp, mấu chốt là tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, để DN phát triển- tạo nguồn thu lâu dài. Cùng với đó, nghiên cứu các phương án điều hành để kết hợp có hiệu quả các giải pháp, công cụ tài chính, thuế, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng trong nước.

Nói thêm về vấn đề lạm phát khi thực tế năm 2014, lạm phát của Việt Nam thấp hơn 4%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng không lo ngại mà đáng mừng, vì lạm phát thấp thúc đẩy DN sản xuất kinh doanh, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng lực cạnh tranh. Lạm phát thấp thể hiện điều hành kinh tế vĩ mô rất tốt, kinh tế vĩ mô dần ổn định, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước, Khả năng năm nay chúng ta vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 5,8%. Bên cạnh đó chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, đi đúng hướng, cùng với đó là điều hành giá cả đúng quy luật, đúng với thị trường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng vừa qua cao hơn cùng kỳ năm trước, tăng 11,1%, như thế là sức cầu tốt, là điều đáng mừng đối với nền kinh tế.

Lệ Thúy
.
.
.