Chống hàng giả: Đừng để doanh nghiệp và người tiêu dùng đơn độc

Thứ Bảy, 20/06/2015, 09:24
Theo một thống kê không chính thức, tôn giả chiếm khoảng 20% thị trường trong nước, gây thiệt hại cho nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng hàng nghìn tỷ đồng, tình thế hết sức đáng báo động. Tuy nhiên, rất tiếc, nhận thức nói chung của cộng đồng, cơ quan chức năng, hay thậm chí ngay cả doanh nghiệp (DN) trong ngành về điều này còn rất sơ sài. Chỉ một số ít DN đang đơn độc trong cuộc chiến chống lại hàng giả, bảo vệ không chỉ lợi ích bằng tiền, mà còn thương hiệu hàng Việt Nam.
>> Tôn giả, tôn kém chất lượng vẫn hoành hành
Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ vận chuyển, tiêu thụ hàng giả. Ảnh: Thành An.

Từ nhiều năm nay, tình hình kinh doanh của ngành tôn, thép không mấy sáng sủa. Thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh, trong khi cung vượt quá cầu. Theo tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2013 công suất thiết kế của mặt hàng tôn trong nước vào khoảng hơn 4 triệu tấn, nhưng thực chất chỉ sản xuất hơn 2 triệu tấn, bằng một nửa công suất thiết kế. Một nửa số vốn đầu tư đã bị lãng phí.

Theo VSA, trong những tháng đầu năm thị trường tôn mạ kim loại và sơn phủ màu gặp khó khăn do ảnh hưởng của giá thế giới. Trước tình thế này, các nhà sản xuất trong nước đã phải tăng cường triển khai công tác thị trường và đưa chính sách linh hoạt để bán hàng. Tuy nhiên, không thể “lại” được với tôn giả, tôn đôn dem có giá co giãn khá mênh mông, rẻ hơn đến 20 – 30%.

VSA cũng cho biết trong quý I năm nay, hàng Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh tại thị trường miền Bắc, đặc biệt tại Hải Phòng. Những con số thống kê thực chất không phản ánh được đúng những gì đang diễn ra, bởi sự hỗn loạn của thị trường tôn hiện nay. Càng các thương hiệu hàng đầu như tôn Hoa Sen, Phương Nam…. càng bị hàng giả nhắm đến nhiều hơn. Một thống kê sơ bộ của thương hiệu Tôn Hoa Sen cho biết trong 10 tháng năm 2014, thị phần của họ bị cạnh tranh giảm hơn 2% vì tôn giả, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để chống hàng giả, hàng nhái có hiệu quả.

Để đối phó với tình hình, các DN đã chạy đôn chạy đáo tìm cách hạ giá, tìm thị trường xuất khẩu để sống sót, tiêu biểu như tôn Hoa Sen đã vươn ra xuất khẩu sang hơn  50 nước trên thế giới và được chấp nhận ở ngay cả những thị trường khó tính như châu Âu. “Bở hơi tai” tìm mở thị trường, trả giá không ít, trong khi ngay tại sân nhà, tôn không nguồn gốc nghiễm nhiên núp bóng mình, ăn không thành quả, chính là một nỗi đau của các DN.

Không đành lòng trước tình trạng này, ông chủ Lê Phước Vũ của tôn Hoa Sen đã không ít lần tuyên chiến với tôn giả và gần như đến giờ này, Hoa Sen là doanh nghiệp duy nhất lên tiếng cảnh báo. Doanh nhân này từng lên tiếng trên nhiều diễn đàn, thậm chí lập đường dây tư vấn miễn phí, tuyên bố nếu khách hàng có nhu cầu tư vấn về cách phân biệt tôn thật, tôn giả hoặc bất cứ câu hỏi nào liên quan đến tôn, Hoa Sen sẽ tư vấn miễn phí. Tuy nhiên, sức đơn độc của một doanh nghiệp, cho dù là DN dẫn đầu thị trường (với thị phần khoảng 43%), không thể chống lại hàng giả, hàng gian tràn lan khắp nơi.

Cái khó nhất của chống tôn giả, nhái, gian lận độ dày chính là việc phát hiện bằng giác quan thông thường hầu như là không thể, đặc biệt với những người ít kinh nghiệm. Một từ phổ biến trong ngành như “đôn dem” (tức gian lận độ dày) cũng xa lạ với gần như tất cả người tiêu dùng. Ngay cả cơ quan chức năng, như lực lượng Quản lý thị trường, với kinh nghiệm của mình cũng khó nhận ra, phải trưng cầu giám định mới có thể kết luận thật – giả. Các cơ sở  kinh doanh tôn giả có thủ đoạn khá tinh vi là chỉ bày hàng thật, nhưng khi bán thì trà trộn cả hàng giả. Nếu lực lượng chức năng có đột ngột kiểm tra thì cũng sẽ chẳng phát hiện được gì, bởi tôn giả được để trong xưởng, hễ người tiêu dùng có nhu cầu mới được mang ra. Sẽ dễ dàng hơn nếu người tiêu dùng có hiểu biết hơn về mặt hàng này, phân biệt được thật – giả. Tuy nhiên, như đã nói, quá thách thức để người tiêu dùng có thể tự mình phát hiện hàng giả hay hàng bị đôn dem.

Trong khi đó, khá nhiều người lại bị mức giá rẻ vài nghìn đồng/m tôn hấp dẫn, nên tôn giả vẫn có đất sống. Tất nhiên không thể trách người tiêu dùng điều này. “Đã đến lúc cả DN và người tiêu dùng không thể bị bỏ đơn độc trong cuộc chiến chống hàng giả này” - ông Lê Phước Vũ kêu gọi.

Vân Ly
.
.
.